Covid 19 – Thảm họa toàn cầu (Lê Việt Anh, lớp 10A1, năm học 2020 – 2021)
Lượt xem:
Trong lịch sử nhân loại, loài người chúng ta đã trải qua bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.Từ đại dịch “cái chết đen” đã cướp đi một nửa dân số châu Âu ở thế kỉ 14, dịch Ê bola gây chấn động thế giới vẫn hành hoành châu Phi suốt mấy chục năm qua,.. Và giờ đây, chúng ta lại một lần nữa phải đối mặt với thảm họa toàn cầu Covid-19. Với tốc độ lây nhanh và khả năng lây lan rộng đến đáng sợ, căn bệnh đã trở thành mối lo ngại vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó không loại trừ Việt Nam. Vậy cuộc chiến giữa con người với đại dịch Covid-19 đã diễn ra khốc liệt, gian lao và vất vả như thế nào, chúng ta cùng đi tìm hiểu.
Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu xem đại dịch Covid-19 là gì? Covid-19 là đại dịch bệnh truyền nhiễm toàn cầu do chủng virus mới SARS-CoV-2 gây ra. Xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019, bắt nguồn từ Trung Quốc, trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và bắt đầu lây lan nhanh chóng, sau đó trở thành một đại dịch toàn cầu. Triệu chứng bệnh thường gặp là mệt mỏi, ho khan, khó thở, chóng mặt, sốt cao,… sau một thời gian nhiễm bệnh nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây suy yếu nội tạng, giảm lượng bạch cầu dẫn đến tử vong. Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài nước Nga đã nghiên cứu thành công vắc xin vẫn chưa có quốc gia nào hoàn thiện được liệu pháp chữa trị. Như vậy có thể nói Covid-19 là một trong những đại dịch gây chấn động lớn với nhân loại, ảnh hưởng nặng nề tới tính mạng và mọi mặt đời sống xã hội khiến cho hàng trăm quốc gia trên thế giới mất kiểm soát.
Bản đồ Covid – 19
Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19, chúng ta cùng tìm hiểu xem thảm họa này đang diễn ra như thế nào? Từ khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc cùng sức lây lan khủng khiếp đã khiến nhiều quốc gia lao đao trước làn sóng Covid-19 với số ca mắc kỉ lục. Hiện nay trên thế giới con số người nhiễm đã lên đến 71,705,366 người (thống kê ngày 13/12/2020) và số người chết là 1,593,734 người. Tỷ lệ tử vong cao hơn mức dự đoán đã diễn ra tại các nước Bỉ, Pháp, Italy, Anh,.. và chủ yếu rơi vào những người già trên 65 tuổi. Số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 75.000 người. Ở châu Phi đến nay đã ghi nhận tổng cộng 13.686 ca mắc Covid-19, trong đó có 744 trường hợp tử vong. Còn tại Châu Á, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong đó, Indonesia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất Đông Nam Á. Như trước đây, các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim,.. đều đông đúc, tấp nập nhưng giờ đây là những khung cảnh vắng bóng, đìu hiu vì lây sợ lây nhiễm dịch bệnh. Nhiều thủ đô bỗng trở nên những thành phố “chết” trong vài tuần.
Thế nhưng kì diệu thay trước tình đại dịch hết sức phức tạp và nguy cấp trên thế giới, Việt Nam một quốc gia nhỏ bé nằm ngay cạnh tâm dịch đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.Trong số 1,385 người mắc tại Việt Nam (tính đến ngày 13/12/2020) chúng ta mới chỉ có những ca tử vong lẻ tẻ chủ yếu ở tâm vùng tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam, hơn nữa chúng ta đã cứu sống được rất nhiều người (1,225 người tính đến ngày 13/12/2020). Việt Nam chúng ta đã kiểm soát dịch rất chặt chẽ, khoanh vùng cách ly và thực hiện những biện pháp mạnh tay ngăn chặn Covid-19, tất cả là nhờ có đội ngũ y tế nước nhà, sự chung tay chống dịch của toàn Đảng, toàn dân và cả những thông báo của Bộ Y tế, của Thủ tướng Chính phủ.
Có người nói rằng, đại dịch Covid-19 giống như một cuộc thanh trừng của tự nhiên. Thật vậy, căn bệnh không của riêng ai đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề kéo dài hàng chục năm. Trước tiên đối với cá nhân người nhiễm bệnh, một khi bị phơi nhiễm, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các cơ quan nội tạng đặc biệt là phổi bị suy yếu. Biểu hiện ra các triệu chứng như mệt mỏi, ho khan, khó thở. Trường hợp nghiêm trọng sẽ tử vong.
Như vậy ta có thể cảm nhận được những đớn đau mà người bệnh phải nếm trải. Nỗi đau ấy còn bao trùm lên những gia đình mất đi người thân. Từ đó tác động không nhỏ đến tâm lý của một bộ phận người dân trong xã hội. Lo sợ là phản ứng tự nhiên của con người khi chúng ta cảm thấy mối đe dọa từ một căn bệnh mới và chưa hiểu biết rõ ràng về sức nguy hiểm của chúng. Cảm giác lo sợ giúp chúng ta gia tăng tính cảnh giác và đề phòng để bảo vệ bản thân đồng thời cũng dễ dẫn đến hoảng loạn, tạo ra nhiều hiệu ứng tiêu cực hơn là bản thân dịch bệnh.
Thế nhưng, cơn bão Covid-19 tới, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý con người mà hậu quả nó mang đến cho toàn xã hội vô cùng lớn. Giáo dục, kinh tế, xã hội tất cả đều bị ảnh hưởng bởi Covid – 19. Ảnh hưởng đầu tiên phải nói đến du lịch, ngay khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng loạt các hãng hàng không ngừng bay tới Trung Quốc, sau đó là các quốc gia bị cuốn vào vùng dịch. Theo ghi nhận, các công ty du lịch phải hủy hàng ngàn chuyến đến các quốc gia đó, khiến cho hàng loạt các doanh nghiệp bị phá sản, ở Việt Nam có đến 51,4% doanh nghiệp du lịch trong tổng số 34.900 doanh nghiệp bị giải thể, phá sản và tạm ngừng hoạt động.
Ngoài ra các của khẩu quan trọng cũng trở nên vắng bóng, đìu hiu chưa từng có khi những con đường mòn, lối mở, giao vận hàng hóa đều bị dừng lại dẫn đến hàng hóa bị đầy tải không được tiêu thụ khiến giá thành “lao dốc”. Kéo theo, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bị tê liệt (chiếm 7% các doanh nghiệp bị đình trệ). Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, dịch bệnh cũng tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Học sinh, sinh viên trong 54 tỉnh trên tổng số 63 tỉnh phải nghỉ học để chống dịch. Các trường đại học phải điều chỉnh lại kế hoạch và lịch trình, thi cử bị trì hoãn. Những chiếc khẩu trang cháy hàng cho tới những mặt hàng nông sản như rau, thịt, cá cũng bị tăng giá, đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Và một khi các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sẽ gây sức ép lớn đến chính phủ, Nhà nước. Ngân khố quốc gia bị suy giảm để cứu trợ và đầu tư chống dịch. Tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt do các khu sản xuất bị đóng cửa, ở Trung Quốc có 26 triệu việc làm bị “cuốn bay”.Tại châu Âu tỉ lệ này đạt mức 6,3-9 % ở Anh, Pháp và Áo. Những tác động từ đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao nhất trong 10 năm, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46%.
Như vậy, nhìn tổng quan, cơn bão dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những tác động nặng nề từ cá nhân, tập thể, đến Nhà nước, xã hội. Khiến cho nhân loại bị nghèo đi ngay trong thời bình. Quả thực, làn sóng dịch bệnh đã trở thành thử thách khó khăn và khắc nghiệt bậc nhất cho nhân loại thời đại mới.