Suy ngẫm về câu triết lí: “Gieo nhân nào, gặt quả ấy” (HS Trần Thị Quỳnh Thơ, lớp 12A5 năm học 2019-2020)

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

Mặt trời luôn cháy hết mình cho ta nắng ấm, mặt trăng nổ lực không ngừng soi sáng bước chân ta; hai điều vĩ đại ấy đã trở thành biểu tượng tuyệt vời, nhận được lòng biết ơn của toàn nhân loại. Cũng tốt đẹp như thế, luật nhân – quả chính là triết lí mà Thượng đế đã ban tặng cho loài người, giúp ta ý thức được hành động của bản thân để tô màu cho cuộc sống thêm rực rỡ và tràn ngập yêu thương. Thật vậy, ông cha bao đời trước vẫn luôn nhắc nhở con cháu của dân tộc Việt Nam rằng: “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”.

Vậy gieo nhân và gặt quả là gì? Gieo nhân hiểu theo nghĩa đơn thuần là ta vươn, rải những hạt giống xuống đất, tạo ra cây, hoa, sự sống mới của thực vật trên hành tinh này. Còn gặt quả là hành động thu, nhặt, hái những quả chín, thành tựu mà ta bỏ công sức ra ươm mầm. Với câu nói triết lí ấy, ta phải hiểu rằng những điều, những thứ ta tạo ra hay cho đi trong cuộc sống hàng ngày, ta đều sẽ nhận lại tương ứng ở tương lai.

Khi ta sẻ chia, giúp đỡ hay cho đi những điều tốt đẹp dành tặng mọi người xung quanh, ta sẽ nhận được tình yêu thương, lòng biết ơn chan chứa từ người đón nhận. Mọi người sẽ quý mến, gắn bó, đoàn kết, cởi mở, chân thành với nhau hơn. Đó là động lực để thúc đẩy hoàn thành công việc, cuộc sống luôn đong đầy hạnh phúc, vui vẻ và bao dung. Không những thế, khi nhìn vào gương mặt của một người tốt, ta cảm nhận được anh hào quang toát ra từ con người họ với gương mặt phúc hậu, ánh mắt trìu mến và nụ cười đáng yêu.

Khi ta gieo rắc những điều xấu xa, hãm hại hay cản trở người khác, đó cũng là lúc ta tự tạo nghiệp cho chính cuộc đời mình, ta sẽ luôn sống trong lòng ghen ghét, đố kị, thấp thỏm lo âu nếu không may bị phát hiện bản chất thật trong con người, rồi sợ rằng bản thân bị ghét bỏ, xa lánh, cô lập, tách biệt, rồi u sầu sẽ luôn dày vò trong tinh thần lẫn tâm trí. Bạn thử nghĩ xem, nếu hàng ngày cứ trôi qua như thế, liệu bạn còn sức sống để vui tươi? Hay gương mặt sẽ luôn ủ rủ, dữ dằn và nhìn không lấy được một chút thiện cảm? Đức Phật đã dạy, đời người là một kiếp luân hồi. Những nghiệp chướng mà ta tạo ra ở kiếp này, vẫn phải trả ở những kiếp đời khác, khó mà hết được.

Tiện đây, ta cũng biết rằng Đức Phật từng là một người dành cả cuộc đời mình để giảng dạy đạo lí, chân lí cho nhân loại; hay vị Chủ tịch nước vĩ đại của nhân dân-Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng khỏi ách đô hộ, dành độc lập cho dân tộc Việt Nam, được cả thế giới cũng như cả nước ngưỡng mộ, biết ơn, thậm chí đến hàng trăm, ngàn đời sau vẫn luôn là như thế. Họ là hiện thân rõ nét nhất để ta thấy được triết lí trên đúng đắn đến nhường nào. Còn những con người xấu xa, đê tiện vẫn luôn bị báo ứng, kẻ làm điều tàn ác, trái với luân thường đạo lí, với chuẩn mực xã hội sẽ bị Pháp luật trừng trị, răn đe. Người hay khẩu nghiệp vẫn luôn bị mọi người dèm pha, e dè, không muốn thân thiện, hoặc đến gần,…

Triết lí dân gian đã thức tỉnh tâm hồn của mỗi chúng ta phải luôn sống và mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người, thôi thúc thực hiện và phải luôn ý thức được hành động mình làm là đúng hay sai, là tốt hay xấu, liệu có ảnh hưởng đến ai hay đến mọi người xung quanh. Ở ngoài kia, có hàng triệu trái tim, quả thận và tấm lòng cho đi để một cuộc đời trở lại.

Tuy nhiên, trong cuộc sống ta vẫn thấy có rất nhiều người thực dụng quá mức, làm việc tốt và đòi được trả ơn một cách quá đáng. Chúng ta phải hiểu “gieo nhân”, “gặt quả” nên xuất phát từ tâm hồn lương thiện, từ trái tim biết yêu thương chứ không phải từ đầu óc mưu mô mà đầy toan tính. Cũng không có nghĩa ta không tin vào luật nhân-quả, bạn hãy thử ngãm nghĩ lại xem, từ trước đến nay, bạn cho đi và nhận lại được gì? Liệu có đúng như những gì tôi đã nói?

Chúng ta cần lên án, phê phán những con người luôn sống ích kỉ, vị kỉ, thờ ơ, vô tâm với mọi người xung quanh, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, sống lập dị và tách biệt khỏi thế giới. Chắc chắn rồi, họ sẽ không nhận lại được gì ngoài sự cô độc và lạnh lẽo!

Qua câu triết lí dân gian dể hiểu mà sâu sắc ấy, ta biết bản thân phải luôn giữ cho tâm mình được tốt, được trong sạch và yên bình. Chúng ta cần nâng cao tri thức, giúp đỡ mọi người, thân thiện và vui tươi với những điều tốt đẹp trên cuộc đời này, để xã hội phát triển vững mạnh, ý thức mỗi người nâng cao, từ đó chính ta sẽ tạo nên một thế giới rực rỡ sắc màu của yêu thương.

Đó cũng chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Hãy học cách cho đi, ta sẽ nhận lại những điều thích đáng. Hãy giữ cho tâm hồn thật an nhiên để dòng máu nóng luôn chảy trong huyết cảm của mỗi con người, để tình yêu thương được lan tỏa đến muôn nơi, để cuộc sống luôn ngập tràn bao điều hạnh phúc. Hãy nhớ rằng: “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”.