Vội vàng – Nỗi ám ảnh thời gian (HS Lê Thị Ngân Tuyền, lớp 11A1, năm học 2019 – 2020)
Lượt xem:
Nói về các nhà Thơ Mới, Hoài Thanh đã từng nhận xét: “ Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo nảo như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên,… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” . Khi nhắc tới Xuân Diệu, Hoài Thanh không dùng một mà phải là ba tính từ để miêu tả đúng phong cách riêng của ông. Xuân Diệu không chỉ thổi vào thơ một tâm hồn cùng tình yêu mãnh liệt với đời; mà còn có những nỗi băn khoăn trăn trở vì sự ám ảnh về thời gian. Hơn cả trăm bài thơ đi cùng năm tháng, nhưng có lẽ Vội vàng là tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện rõ nét những nỗi niềm, những cung bậc cảm xúc của nhà thơ tình này. Và đặc biệt ở phần hai của bài thơ là những quan niệm về thời gian tạo khoảng lặng để mọi người đều phải suy ngẫm về tuổi trẻ, thanh xuân, cuộc đời của người nghệ sĩ ấy cũng như chính bản thân mình.
Xuân Diệu đã mở đầu bài thơ bằng bốn câu rất ấn tượng:
“ Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Bằng giọng điệu dồn dập, hối hả, ông đã lột tả cái tôi cá nhân mãnh liệt cùng mong ước táo bạo là tắt nắng và buộc gió. Đó vốn là chuyện của đất trời, thiên nhiên nhưng vì khát vọng lưu giữ khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời mà nhà thơ muốn đoạt cả quyền tạo hóa. Tiếp đó, nhà thơ lại hóa thân thành người họa sĩ, vẽ ra trước mắt độc giả một bức tranh thiên nhiên mùa xuân vô cùng sinh động, tràn đầy màu sắc, ánh sáng, hương thơm lẫn âm thanh. Tất cả đang trong độ tươi mới, đẹp đẽ nhất, căng tràng sức sống nhất. Nhà thơ căng mở các giác quan để cảm nhận mọi hương vị, thanh sắc của cuộc đời qua lăng kính tinh tế của mình. Và, ông đã bày ra một bữa tiệc thịnh soạn với những vẻ đẹp của mùa xuân trần thế, mùa xuân của tuổi trẻ và tình yêu.
Xuân Diệu không chỉ “ đốt cảnh bồng lai để đưa ai nấy về hạ giới” mà đồng thời còn lột tả tình yêu tha thiết, mãnh liệt của mình đối với những tháng ngày hiện tại của cuộc đời thông qua phần đầu bài thơ. Kết thúc niềm vui sướng trước vẻ đẹp đất trời, tác giả đã ngăn cách mạch cảm xúc bằng hai câu thơ:
“ Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Đang trong niềm vui được tận hưởng cuộc đời nhưng dấu chấm giữa dòng xuất hiện như một sự khựng lại và giật mình của thi nhân trước một niềm vui không trọn vẹn. Cuộc sống đang đẹp phơi phới, căng mọng, nhưng nó cũng chẳng kéo dài như vậy được mãi. Dấu chấm đó dường như đã chuyển sung sướng, yêu đời trở nên tiếc nuối và vội vàng. Hơn thế, nó đã chuyển mạch cảm xúc trở thành mạch luân lí cùng những quan niệm, triết lí về thời gian ở mười sáu câu thơ tiếp.
“ Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.”
Trước Xuân Diệu, ta từng thấy một nữ thi sĩ cũng có quan niệm về thời gian rất mới mẻ đó chính là Hồ Xuân Hương. Trong bài thơ “ Tự tình”, Bà Chúa thơ Nôm từng có câu:
“ Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại”
Hết mùa xuân này sẽ tới một mùa xuân khác, lẽ ra con người ta phải thấy vui nhưng nữ thi sĩ lại cảm thấy chán chường. Bởi lẽ, tuổi xuân của con người không giống như mùa xuân tuần hoàn của đất trời.
Ở đây, cả hai thi sĩ đã cùng chung một quan điểm về thời gian. Thời gian không tuần hoàn, không lặp đi lặp lại như quan niệm cũ “ xuân qua trăm hoa rụng, xuân tới trăm hoa tươi”. Với Xuân Diệu, thời gian là tuyến tính, là một đi không trở lại. Cách ngắt nhịp 3-2-3 kết hợp với việc sử dụng điệp cấu trúc và kiểu câu định nghĩa “nghĩa là” đã gợi lên cảm giác đều đặn như nhịp bước đi lạnh lùng, vô tình của thời gian. Đó chính là quy luật không cách nào thay đổi. Từ “ nghĩa là” lặp đi lặp lại ba lần nhấn mạnh khẳng định thời gian là hữu hạn. Ngoài ra, với các cặp từ đối lập như “tới” – “qua”, “non”-“già” càng khắc sâu quy luật trường tồn về sự vận hành của thiên nhiên, của thời gian. Cũng chính vì sự quyến rũ của “mật đời” cùng những khát khao “ ôm” cuộc sống ấy vào lòng tận hưởng một cách trọn vẹn đã gây nên những băn khoăn và trăn trở về thời gian cho nhà thơ. Xuân của đất trời một đi không trở lại, “xuân” của tác giả cũng vậy. Cái “ xuân” ấy là những tháng năm ngắn ngủi của tuổi trẻ với sức sống và niềm yêu mãnh liệt, một khi đã qua làm sao có thể lấy lại nguyên vẹn như vậy được. Triết lí nhân sinh ấy khiến tác giả rơi vào trong những nỗi niềm trăn trở, băn khoăn bởi suy nghĩ lấy sinh mệnh của cá nhân, của tuổi trẻ – khoảng thời gian ngắn ngủi nhất đời người làm thước đo thời gian. Điều này càng đẩy sâu tâm trạng của thi nhân vào những nỗi buồn, nuối tiếc, dằn vặt. Dòng thời gian tuyến tính vô tình đã tác động tiêu cực đến con người. Xuân hết, mỗi con người, trong đó có “tôi” sẽ phải mất đi một phần đời đáng giá của mình. Thế mới thấy thời gian thật lạnh lùng đối với thi nhân- con người ham sống đến cuồng nhiệt.
“ Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;”
Cuộc đời của mỗi người rất đáng quý, nhưng đáng quý nhất là những giây phút tuổi trẻ ngắn ngủi. Đó là lúc mà con người ta tràn trề sức sống nhất cùng với những khát khao, đam mê cháy bỏng không ngừng. Lại một lần nữa sử dụng những cặp từ đối lập “ rộng- chật”, “ xuân vẫn tuần hoàn”-“ tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, “còn trời đất”-“chẳng còn tôi mãi”. Ta thấy dường như tạo hóa đã đối xử quá hẹp hòi với thi nhân còn khao khát của thi nhân lại trở thành một món quà vô cùng xa xỉ. Những dòng thơ như những lời hờn trách, nhưng cũng là lời nuối tiếc bởi tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Cuộc đời này không đối đãi ưu ái cho riêng ai, chúng ta đều chỉ có một thời trẻ vỏn vẹn, ngắn ngủi. Đất trời vẫn còn mãi, nhưng thanh xuân rồi sẽ qua đi nhanh chóng, không chờ một ai. Để rồi lại đẩy nhân vật trữ tình vào cảm giác bâng khuâng, tuyệt vọng. Tất cả rồi cũng sẽ trở thành hoài niệm, cũng chỉ là câu nói đã từng.
Nỗi niềm tâm trạng của Xuân Diệu đã lan tỏa sang cả vạn vật:
“ Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn rang bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?”
Lại một lần nữa, tháng năm vốn vô hình, trừu tượng, lại được chuyển đổi cảm giác trở nên có mùi, có vị. Nếu tháng giêng ở phần đầu bài thơ có vị “ ngon như cặp môi gần” thì bây giờ lại rớm vị của sự chia phôi. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” quả thật không sai. Cả thiên nhiên vũ trụ đều nhuốm màu của sự chia li, mất mát. Mỗi sự vật đang từng giây từng phút ngậm ngùi tiễn biệt phần đời còn lại của mình. Nỗi buồn, sự nuối tiếc bao trùm khắp không gian bởi những cuộc chia li có lẽ là mãi mãi. Từng câu hỏi thốt lên chua xót đến nghẹn lời. Nhưng quy luật của cuộc đời vốn là như thế, bông hoa đẹp rồi cũng phải tàn, gió vẫn phải bay, chim cũng không thể cứ ca mãi. Mọi thứ đều có giây phút huy hoàng nhất của nó, tuy nhiên chẳng bao giờ thời huy hoàng kéo dài mãi. Chẳng ai muốn những cuộc chia phôi, nhưng tạo hóa không bao giờ có thể thay đổi quy luật của nó. Mỗi người cũng chỉ có một phần đời, một tuổi trẻ, một thanh xuân. Sự nuối tiếc như được dồn nén đến tột cùng khi Xuân Diệu kết thúc đoạn thơ bằng câu:
“ Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”
Tiếng kêu tuyệt vọng, đau đớn thốt ra trong vô vàng cảm xúc hỗn độn. Đó là sự thức tỉnh sâu sắc của cái tôi về sự tồn tại của mỗi cá nhân trên cuộc đời giữa dòng thời gian chỉ chảy xuôi không bao giờ chảy ngược.Đồng thời cũng như một lời cảnh tỉnh hãy trân trọng từng phút giây tươi đẹp của cuộc đời mình khi còn có thể, đặc biệt là những tháng năm tuổi trẻ quý báu. Câu thơ không chỉ kết thúc đoạn thơ bằng sự nuối tiếc, dằn vặt mà còn là bước đệm, mở ra mạch cảm xúc mới cho đoạn thơ cuối cùng. Vì càng nuối tiếc, hoài niệm lại càng vội vàng, cuống quýt với những khát khao mãnh liệt được sống đến cháy bỏng.
Trong khi bạn thân của Xuân Diệu là Huy Cận chịu nỗi dằn vặt về không gian thì với chính Xuân Diệu lại bị ám ảnh bởi thời gian. Đoạn thơ đã cho thấy sâu sắc nỗi ám ảnh ấy. Chính nỗi ám ảnh ấy càng khiến ông buồn sầu, bâng khuâng, nuối tiếc hơn vì sự trôi chảy của nó. Qua quan niệm về thời gian, Xuân Diệu đã làm nổi bật về cái tôi cá nhân của chính mình cùng suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ và đầy triết lí. Giọng thơ lúc thì nhẹ nhàng, tha thiết, lúc thì dồn dập như thôi thúc, tạo âm điệu càng tạo nên sức hút, cuốn độc giả vào luồng những suy nghĩ sâu xa về cuộc đời, con người và tuổi trẻ.
Có thể thấy ở nhà thơ, dù đắm say trong giấc mộng đẹp thời tươi của tuổi trẻ nhưng vẫn có cái nhìn thực tế về thời gian, về những quy luật nhân sinh trong đời sống. Để rồi từ yêu đời, tha thiết, rạo rực lại cảm thấy băn khoăn. Nhưng như thế lại càng trỗi dậy lời giục giã, khát vọng ham sống đến cuồng nhiệt, vồ vập ở những vần thơ sau. Vội vàng là bài thơ trữ tình thấm đấm những giá trị nhân văn qua lăng kính mới mẻ của Xuân Diệu.