Thư viện trường THPT Krông Ana tổ chức buổi giới thiệu sách chủ đề “Quân Đội Nhân Dân Việt Nam”
Lượt xem:
Vậy là tháng 12 đã đến, trong tháng này, cả nước ta sẽ sôi nổi kỉ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/ 1944 – 22/12/ 2023). Chắc chắn trong lòng của mỗi chúng ta khi nhắc tới ngày này đều gợi nhớ đến hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đầy nhiệt huyết, các anh giải phóng quân, các cô gái thanh niên xung phong anh dũng gan dạ trên mọi nẻo đường của Tổ quốc,…. Họ là những người đã góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ quê hương giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Tên tuổi, chiến công của họ gắn liền với non sông đất nước, gắn liền với lịch sử dân tộc.
Hưởng ứng kỉ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Sáng 11/12/2023 Thư viện trường THPT Krông Ana tổ chức buổi giới thiệu sách chủ đề “Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” nhằm tri ân các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và bày tỏ lòng biết ơn sâu lặng đối với Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân ta.
Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân – Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc. Lịch sử 62 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc, chúng luôn được lưu giữ cẩn thận qua nhiều trang sách nổi tiếng và hấp dẫn và tại thư viện trường đã có các cuốn sách: Thi Hoa ra trận, Nhật ký Xuân Vũ, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Chỉ một con đường, Sống như anh: Nguyễn Văn Trỗi và đồng đội… Đặc biệt là cuốn sách Thư thời chiến của tác giả Đỗ Sâm, những lá thư tay đã trở thành chứng nhân lịch sử sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, sự hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc. Cùng với đó, những lá thư còn thể hiện sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc. Những năm tháng rực lửa đã in đậm trong từng câu chữ mỗi lần lật giở…
Với sự diễn xuất tài tình của những diễn viên không chuyên và đội ngủ biên đạo nghiệp dư, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ một lần nữa được tái hiện lại qua hoạt cảnh nhỏ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thuộc trích đoạn 16: Điện Biên Phủ – chuyện trinh sát và thông tin pháo binh do Phương Uyên (đạo diễn âm thanh) và Phúc Vân (đạo diễn nội dung), Quỳnh Như (biên đạo múa) cùng với đội ngủ cộng tác viên Thư viện Trường THPT Krông Ana biểu diễn.
Trận chiến Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần I. Kéo dài suốt 8 năm, Điện Biên trở thành cái chảo lửa, ngập trong biển máu và bom đạn, thực dân.
Trước tình hình ấy, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sát cánh cùng quân đội nhân dân Việt Nam, trong những năm từ 1947 đến 1953, quân và dân ta liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông (năm 1947), chiến dịch Biên giới (năm 1950)… làm cho cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến có lợi cho ta, tạo ra thế bất lợi đối với thực dân Pháp.
Lúc bấy giờ, cán bộ, chiến sĩ đều hăng hái triển khai kế hoạch “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, trước tình hình địch tăng cường lực lượng, phương tiện và thay đổi trận địa cũng như hệ thống phòng ngự… Nhưng sau khi trăn trở, cân nhắc quan sát cùng với những ý kiến, tin tức trinh sát từ các mặt trận gửi về, đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang phương châm tác chiến và kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của đại tướng khi chỉ mới 44 tuổi. Quyết định đã ảnh hưởng to lớn đến kết quả của chiến dịch.
Đến giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho trận đánh theo chiến lược đã đưa ra trước đó, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh cuộc vận động nhân dân các địa phương, phát huy được sức mạnh của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ các điều kiện về hậu cần, kỹ thuật, phương tiện cho bộ đội tham gia trận quyết chiến lịch sử này. Với chủ trương mới, các đơn vị pháo nhạn được mệnh lệnh kéo pháo trở ra. Đơn vị của anh Tô Vĩnh Diện trên đường kéo pháo ra bất ngờ quân Pháp bắn lén, làm dây kéo pháo bị đứt. Pháo trôi dần về phía vực sâu. Tô Vĩnh Diện dũng cảm lấy thân mình chèn pháo. Anh đã bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người trọng thương. Cho tới giây phút cuối cùng trước khi nhắm mắt, anh vẫn còn hỏi “Pháo có bị gì không?”. 69 năm đã qua đi, nhưng hình ảnh của anh TVD hi sinh thân mình cứu pháo vẫn còn in dấu sâu đậm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam như một biểu tượng anh hùng xả thân bảo vệ vững chắc Tổ quốc VN.
Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm ba đợt. Bắt đầu từ ngày 13/3 đến ngày mùng 7/5/54. Trong đợt 1, đơn vị anh Phan Đình Giót nhận được lệnh tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Phan Đình Giót đã dũng cảm quên mình, lấy thân lấp lỗ châu mai.
Tiếng súng đạn bỗng chốc im bặt, nhưng chiến sĩ Phan Đình Giót đã hi sinh, toàn thân anh bị bom đạn kẻ thù bắn nát.
Phan Đình Giót ra đi lúc 22h30p ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Tinh thần hy sinh của anh đại diện cho hàng vạn, hàng nghìn chiến sĩ quả cảm đang ngày đêm đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hoà bình cho cho Tổ quốc. Đó là
“ những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!”
Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm…”, thông qua phương châm tác chiến phù hợp, đầy thông minh, sáng tạo, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, sự tập trung lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ chỉ huy Chiến dịch, bằng quyết tâm cao độ, ta đã bắt sống tướng De Castries, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16 nghìn tên địch, tịch thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng, phương tiện của địch và giành thắng lợi vang dội. Hình ảnh lá cờ phất cao trên nóc hầm De Castries đã đi vào lịch sử như một mốc son, một biểu tượng chiến thắng chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
“Tin về nửa đêm
Hỏa tốc hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng…
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!
Sét đánh ngày đêm
xuống đầu giặc Pháp!…”
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đó là những năm tháng:
“9 năm làm một Điện Biên
Nên nhành hoa đỏ nên thiên sử vàng.”
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kì tích của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng – chiến công của những người đã sống, chiến đấu, hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc được lưu danh muôn thuở và luôn ngời sáng mãi trong trang lịch sử vẻ vang của dân tộc. 79 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng ta Quân đội Nhân dân Việt Nam đã liên tục phấn đấu, không ngừng giữ vững, nêu cao và phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng. Ngày 22/12 hàng năm là dịp để nhân dân cả nước ôn lại truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, sự hi sinh, mất mát và những chiến công vĩ đại của anh bộ đội Cụ Hồ. Với lòng mong muốn tất cả học sinh – những thế hệ tương lai của đất nước ghi nhớ những trang lịch sử vẻ vang cũng như truyền thống yêu nước, tinh thần quả cảm của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện: Xuân Hạ