“Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay …” (Nguyễn Ngọc Yến Nhi , lớp 11A3 năm học 2018 – 2019)
Lượt xem:
Vào buổi diễn thuyết đầu năm học, Tổng giám đốc Coca – Cola đã nói với sinh viên rằng: “Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng giây của cuộc đời mình”. Trong cuộc đời, khi đứng trước nhiều ngã rẽ, bạn thường suy nghĩ nghĩ về nhiều điều. Nếu bạn chỉ biết hoài niệm về quá khứ hay ảo tưởng về tương lai tốt đẹp thì nó sẽ chẳng đưa bạn tới đâu và bạn chỉ đang lãng phí thời gian của chính bản thân mình. Nên hãy sống cuộc đời của chính mình, sống cho bản thân ở hiện tại, sống trọn từng khoảnh khắc.
Có lẽ mỗi chúng ta khi chạm đến ranh giới của sự trưởng thành đều từng nghĩ rằng phải làm gì thì cuộc sống của bản thân mới trở nên ý nghĩa? Cách nói hình tượng của Tổng giám đốc Coca – Cola đã khiến ta hình dung được phần nào câu trả lời cho câu hỏi trên. “Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay” là bạn chớ để thời gian trôi đi một cách vô ích, chớ thờ ơ với cuộc sống hiện tại của bạn. Thời gian cứ thôi một cách vô tình, khi đã qua đi rồi thì chẳng thể nào quay trở lại. Thời gian đâu có trách nhiệm hay nghĩa vụ phải chờ đợi bạn hay bất cứ ai. Đôi khi, bạn biết rõ nhưng lại không tin điều đó, hoặc có chăng là cố tình quên đi điều đó. Thay vì lãng phí như vậy, bạn hãy “sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc” và “sống trọn vẹn từng ngày”. Hãy nâng niu trân trọng cuộc sống mà bạn đang có, hãy làm những việc ý nghĩa, sử dụng thời gian hợp lý, có ích cho bản thân bạn, gia đình bạn và cả xã hội này. Học cách quý trọng những gì mình đang có và cố gắng nắm bắt giá trị của thời gian, thì ít nhất dù bạn không thành công nhưng bạn cũng sẽ không phải nuối tiếc bất cứ điều gì và nên nhớ rằng, đôi khi cảm giác hối tiếc còn tệ hơn cả thất bại.
Ngạn ngữ Eskimo có một câu nói: “Quá khứ là tro tàn, tương lai là gỗ, chỉ ngày hôm nay là lửa sáng chói lòa”. Câu nói ấy rất gần gũi với quan điểm của ngài Tổng giám đốc Coca – Cola. Quá khứ là khoảng thời gian sẽ không bao giờ trở lại, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, quá khứ là một phần tất yếu của cuộc sống. Dù là buồn hay vui, đau khổ hay hạnh phúc thì đó là những gì mà bản thân ta đã trải qua và cảm giác. Chính bởi cái ranh giới giữa vui và buồn, giữa hạnh phúc và khổ đau ấy mà người ta chẳng thể nào quên hay mang một nỗi niềm không bao giờ xóa nhòa đi được. Nhưng hãy thử nghĩ, khi bạn càng ngày sa sút trong học tập, bạn không chịu phấn đấu để trở nên tốt hơn mà chỉ lo nghĩ về quá khứ huy hoàng mà bạn từng đạt được, quá khứ về những con điểm 9, điểm 10, về những lời khen của thầy cô; thì liệu rằng việc bạn suy nghĩ như thế có giúp cho điểm số bạn tăng lên hay không, giúp cho bạn có động lực hơn để học tập hay không? Hay nó chỉ làm cho bạn chìm đắm trong việc mình đã từng giỏi giang thế nào. Quá khứ như con dao hai lưỡi, nó có thể là động lực để bạn cố gắng nhưng cũng có thể là lí do đẩy bạn xuống vực sâu của sự thảm hại. Nên hãy giữ quá khứ đủ để ta biết cảm ơn và trưởng thành hơn sau những gì đã qua, chứ đừng để nó chi phối và điều khiển mình trong vòng luẩn quẩn không có lối thoát ấy.
Còn tương lai, là thời gian phía trước mà bạn chẳng thể nắm bắt. Thường khi nghĩ về tương lai, mỗi người đều nghĩ về những gì thật tươi đẹp , những gì mà bản thân bạn không thể có ở trong hiện tại hoặc quá khứ. Không ai có quyền cấm bạn không được mơ ước cho tương lai của mình, nhưng đừng quá sa đà vào nó, nó sẽ làm bạn mộng mị về những điều tốt đẹp ấy. Thử đặt ví dụ rằng những học sinh lớp 12, những người đang chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của thời học sinh mà đến với cánh cổng mới của những tân sinh viên. Nếu họ chỉ mãi lo nghĩ về việc học xa nhà sẽ vui như thế nào, họ sẽ được tự do ra làm sao, hay việc họ sẽ đạt được điểm cao hoặc vào được trường đại học, cao đẳng mà họ mong ước thay vì dốc lòng học tập thì phải chăng họ đang tự vùi dập bản thân mình vào hố sâu của việc ảo tưởng, của sự thất bại. Nếu toàn bộ học sinh lớp 12 của Việt Nam đều luôn lo nghĩ đến những chuyện như thế mà không chú tâm học tập thì có lẽ sẽ chỉ 10% học sinh được nhận vào các trường đại học, cao đẳng. Thế nên nghĩ về quá khứ hay ảo tưởng về tương lai chỉ là một việc thời gian, làm thời gian trôi đi vô ích.
“Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí” (Ostrovsky). Ta phải biết quý trọng từng giây phút trong cuộc sống, quý trọng từng ánh mắt nụ cười, quý trọng những cái ôm thắm thiết, quý trọng những bữa cơm sum họp, đoàn viên. Hãy ghi nhớ những khoảnh khắc ấy và sống cho nó. Khi con người biết quý trọng cuộc sống của bản thân thì họ sẽ hướng tới những việc làm, hành động tích cực, trở thành người có ích. Sống một cuộc đời có ý nghĩa, mỗi ngày đều là ngày vui. Nhà thơ Thanh Hải, một con người có tâm hồn thanh cao, một khát vọng sống cao đẹp, trải qua những ngày cuối cùng trên giường bệnh, hàng ngày phải tiếp xúc với đủ loại dụng cụ máy móc y tế nhưng trái tim ông vẫn vui tươi, vẫn đập mạnh mẽ. Ông nguyện làm một “mùa xuân nho nhỏ”, nghĩa là ông muốn sống đẹp, sống có ích, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình để dâng hiến cho cuộc đời những gì tinh túy đẹp đẽ nhất. Đó là một ước nguyện khiêm tốn, giản dị mà thật đáng trân trọng biết bao nhiêu. Hay bạn đã có từng biết đến Nick Vuijic- người đàn ông không tay , không chân, truyền cảm hứng, khát vọng sống cho rất nhiều người. Nếu anh chàng này chỉ biết than thở cho quá khứ đầy bất hạnh của mình hay mơ ước có một phép nhiệm màu nào đó thay đổi mình ở tương lai thì có lẽ chẳng ai biết đến anh như một biểu tượng về nghị lực sống của thế giới. Ngoài ra, còn biết bao những con người ngoài kia nỗ lực cho hiện tại như: thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, hiệp sĩ công nghệ thông tin Đỗ Công Hùng hay gần đây nhất là vận động người khuyết tật Lê Văn Công- huy chương vàng Paralympic,… Tất cả những con người ấy họ có thể khác nhau về hoàn cảnh sống, ở sự cố gắng nỗ lực vươn lên để khẳng định bản thân nhưng chắc chắn họ là những minh chứng thuyết phúc nhất cho tính đúng đắn trong câu nói của ngài Tổng giám đốc Coca – Cola.
Thế nhưng trong xã hội ngày nay vẫn còn một số người không biết tôn trọng bản thân, sử dụng thời gian bất hợp lí. Họ chỉ mãi sa đà vào những cuộc vui chơi ăn nhậu quên ngày tháng. Họ đắm mình vào bể sâu của quá khứ, tương lai để rồi chết dần, chết mòn trong hiện tại. Đặc biệt là giới trẻ ngày này, họ là một lớp người năng động, xông xáo, hoạt động với một cường độ cao nhưng bên cạnh đó còn không ít người không biết tiết kiệm thời gian, “nước đến chân mới nhảy”. Ví dụ, sinh viên đến lúc thi mới học, bài đến hạn mới làm, làm việc cứ khất lần này đến lần khác vì cho rằng đi đâu mà vội. Một bộ phận học sinh, sinh viên sa vào ăn chơi lêu lổng, không học hành phần đấu, ai có ý thức nhắc nhở thì lại được nghe “đi đâu mà vội, đời còn dài, chơi cái đã”. Thực ra đó chỉ là lời ngụy biện cho sự sai lầm, lười biếng của các bạn trẻ. Xin các bạn trẻ hãy luôn nhớ rằng “việc hôm nay chớ để ngày mai”, “thời gian không chờ đợi ai”, “vàng đã quý thời gian còn quý hơn vàng” để mai sau khi nhìn lại chặng đường dài ấy ta sẽ không hối hận.
Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: “Quá khứ là kinh nghiệm, hiện tại là đấu tranh, tương lai là do mình mình quyết định”. Lời dẫn trên, cũng như lời khuyên của Tổng giám đốc Coca- Cola quả thật là một bài học lớn lao cho thế hệ trẻ ngày nay. Đó là lời khuyên chúng ta cần sống dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ, biết mơ ước, phấn đấu cho tương lai. Nhận sự cỗ vũ từ người khác nhưng không trông chờ vào sự phù phiếm may rủi, sự giúp đỡ từ người khác mà hãy sống bằng năng lực của bản thân, phát huy hết khả năng, tố chất của bản thân mình, biết thử sức trong mọi hoạt động, năng động, sáng tạo, có khát vọng đóng góp và chia sẽ với mọi người. Chúng ta phải sống hết mình vì hôm nay mà không bỏ lỡ phút giây nào để sau này ta không hối tiếc.
Đây là bài viết trong kế hoạch phát triển website của nhà trường của HS Nguyễn Ngọc Yến Nhi, lớp 11A3 năm học 2018 – 2019. Bài viết xin gửi về ngvdmail@gmail.com.