Bàn về ý kiến: “Mọi cách tân nghệ thuật chân chính đều bắt đầu từ ý thức khẳng định cái tôi của nhà văn” (HS Nguyễn Ngọc Yến Nhi, Lớp 11A3 năm học 2018-2019)
Lượt xem:
Văn học là lĩnh vực của sự sáng tạo, cái cảm quan cá nhân của người sáng tác về một hiện tượng đời sống, sự vật và con người cụ thể. Đối với mỗi một tác phẩm, người sáng tác không chỉ phải phản ánh cuộc sống mà còn phải phản ánh lòng mình, tâm mình, thể hiện rõ cái tôi cá nhân của mình. Bàn về cái tôi trong những tác phẩm văn học, có nhận xét cho rằng: “Mọi cách tân nghệ thuật chân chính đều bắt đầu từ ý thức khẳng định cái tôi của nhà văn”
Chính đặc trưng nghệ thuật của văn học đã yêu cầu người sáng tác phải gửi gắm “cái tôi cá nhân” vào hồn thiêng của tác phẩm, biến tác phẩm trở thành một sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa nhất. Để từ đó tác phẩm mang dấu ấn đặc trưng riêng của nhà văn, trở thành một dạng “vân chữ” riêng của chính những nghệ sĩ đầy tài hoa.
Những tác phẩm văn học là cả một quá trình lao động sáng tạo cần mẫn, là những tâm tư, tình cảm, ý nghĩ, triết lý nhân sinh sâu sắc của nhà văn. Vậy “cách tân nghệ thuật chân chính” là gì trong những tác phẩm văn học ấy? Cách tân nghệ thuật chính là một xu hướng sáng tạo với khát khao tạo ra cái hoàn toàn mới. Đó là những đột phá táo bạo, những bứt phá dũng mãnh, vượt khỏi rào cản của thói quen thẩm mỹ cũ, gieo những hạt giống mỹ cảm mới, khai sinh một hệ giá trị mới. Cuộc sống có nhiều biến đổi quan trọng từ đó thôi thúc văn nghệ sĩ phải có lối tư duy, cách tân làm sao cho phù hợp với hiện thực. Đổi mới văn học là đổi mới quan niệm: quan niệm về con người, về đời sống và quan niệm về bản thân văn học nghệ thuật. Nhưng sự “cách tân nghệ thuật chân chính” chỉ được khẳng định, được công nhận khi nó bắt nguồn từ “cái tôi” của nhà văn. “Cái tôi” chính là phong cách sáng tác, những quan điểm về nghệ thuật, con người của nhà văn- những người sáng tạo nên tác phẩm. Cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật là hướng đến sản sinh ra “cái tôi”. “Cái tôi” là tiền đề của sự cách tân, là thước đo sự sáng tạo của nhà văn
Văn học Việt Nam không ngừng đổi mới. Cùng với sự chuyển biến của tình hình xã hội, văn học thời kì từ đầu thế kỉ XX, đặc biệt từ những năm 30 phát triển hết sức nhanh chóng. Chỉ trong vòng hơn một thập niên, các khuynh hướng, chủ nghĩa, trường phái văn học đều phát triển với một tốc độ hết sức mau lẹ. Điều đó thể hiện qua sự phát triển về số lượng tác giả, tác phẩm, các trường phái nghệ thuật mới được hình thành như Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Ở nước ta, một năm có thể kể như ba mươi năm của người”. Tốc độ cách tân mau lẹ ấy xuất phát từ nhiều nguyên do, nhưng không thể không nhắc đến sự thức tỉnh và trỗi dậy mạnh mẽ của “cái tôi” cá nhân ở bộ phận thanh niên trí thức sau hàng trăm năm bị kìm hãm. Chính “cái tôi” cá nhân này là một trong những động lực tạo nên sự phát triển với một tốc độ hết sức nhanh chóng và những thành tựu rực rỡ của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX theo hướng hiện đại hóa.
Những tác phẩm văn học trong chương trình ngữ văn 11 đều thể hiện hết sức mạnh mẽ sự “cách tân nghệ thuật” thông qua “cái tôi” của nhà văn, đặc biệt là qua các tác phẩm truyện ngắn, mà tiêu biểu là “Chí Phèo”của Nam Cao và “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Nam Cao và Nguyễn Tuân là hai nhà văn nổi tiếng của văn học hiện đại Việt Nam từ những năm 30 của thế kỉ XX. Thế nhưng với hai quan điểm và bút pháp nghệ thuật trái ngược nhau, Nam Cao với “quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh” được thể hiện đầy mạnh mẽ qua bút pháp hiện thực, thì Nguyễn Tuân với quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” được thể hiện uyển chuyển qua bút pháp lãng mạn đã giúp ta có cái nhìn rõ hơn về tốc độ phát triển của văn học, về những “cái tôi” rất riêng trong hai con người tài hoa này.
Trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn có ý thức rất lớn về quan điểm nghệ thuật của mình. Ông phê phán thứ văn chương thi vị hóa cuộc sống đen tối, bất công, coi đó là “ánh trăng lừa dối”, đồng thời yêu cầu nghệ thuật phải gắn với cuộc sống, nhìn thẳng vào những “tiếng thét đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Nam Cao là nhà văn của cái buồn, cái khổ, của những người bị đày đọa lăng nhục, bị bóc lột trắng trợn, và hiện thân của tất cả những tủi hờn ấy chính là Chí Phèo- nhân vật trong tác phầm cùng tên của ông. Có nhiều nhận xét cho rằng “Chí Phèo là nhân vật thành công nhất trong sự nghiệp viết văn của Nam Cao”. Bởi ở Chí Phèo ta thấy được bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của một con người, bi kịch bị tha hóa trong xã hội thực dân thối nát, lạm quyền, coi sinh mạng con người như cỏ rác. Từ một anh nông dân hiền lành, chân chất, có những mong muốn giản dị về một cuộc sống hạnh phúc bên người vợ hiền, đã phải trải qua chế độ nhà tù ghê tởm, man rợ của thực dân phong kiến, và biến thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Đó là nỗi đau, nỗi thống khổ của một con người bị tàn phá về thể xác, bị hủy diệt về tâm hồn, bị cự tuyệt quyền làm người. Chính chế độ thực dân phong kiến lúc bấy giờ là thủ phạm đã làm thay đổi bản chất vốn có của người nông dân lương thiện, đã tiêu diệt và bóp nát cái bản tính vốn có của một con người. Sức mạnh tố cáo, giá trị hiện thực mới mẻ độc đáo của tác phẩm là ở chỗ đã nói lên nỗi đau đớn, xót xa nhất của con người trong chế độ cũ và đã miêu tả sâu sắc cái nỗi đau đó bằng hình tượng nhân vật đầy ấn tượng, mang tính điển hình. Đáng sợ là thế, nhưng ở Chí Phèo ta vẫn thấy trong sâu thẳm của con quỷ ấy, là tấm lòng muốn làm người lương thiện, là bản chất hiền lành, là một con người xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Không giống như Ngô Tất Tố, hay Nguyễn Công Hoan, ở Nam Cao ta thấy được góc khuất của những số phận con người, ta thấy được bản chất tốt đẹp của một con quỷ dữ, ta thấy được “cái tôi” hiện rõ trong nhân vật của ông. Nam Cao đã thâm nhập vào đời sống tinh thần bên trong của Chí Phèo, từ đó nhà văn đặt ra vấn đề cá nhân một cách trực diện và quyết liệt, khát vọng được sống được hưởng hạnh phúc.
Đối với Nguyễn Tuân,phong cách nghệ thuật của ông được tóm gọn bằng một chữ “ngông”. “Ngông” là phản ứng tiêu cực nhưng kiêu ngạo đối với xã hội. Thái độ “ngông” của Nguyễn Tuân có màu sắc riêng: vừa kế thừa truyền thống của những nhà nho tài hoa như: Tản Đà, Tú Xương,…vừa tiếp nhận ảnh hưởng tư tưởng cá nhân của chủ nghĩa văn hóa phương Tây. Đặc biệt, những quan điểm về con người, về bậc anh hào tài hoa đều được thể hiện rất rõ qua nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục. Huấn Cao được xây dựng từ nguyên mẫu có thực trong cuộc sống: đó là nhà thơ Cao Bá Quát nổi tiếng viết chữ đẹp, lại là con người kiên cường, không chịu khuất phục trước cường quyền, bạo lực. Từ nguyên mẫu hình tượng đó, bằng phương pháp điển hình hóa nghệ thuật, Nguyễn Tuân đã sáng tạo nên một nhân vật tuyệt đẹp và vô cùng tỏa sáng. Huấn Cao là nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp, người anh hùng hiên ngang, khí phách và hơn hết là một con người có cái tâm trong sáng, cao đẹp. Từ đó, Nguyễn Tuân đã ngợi ca cái đẹp, cái thiện và thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người: đó là sự thống nhất giữa tài hoa- khí phách- thiên lương. Còn viên quản ngục lại là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗ loạn xô bồ”. Đó là một con người biết xám hối, tự trăn trở, dày vò, quyết tâm thay đổi để hoàn thiện, là con người biết thường thức văn hóa, say mê trân trọng cái đẹp, khao khát thường thức tuyệt đỉnh thi pháp. Qua đó nhân vật này đã góp phần thể hiện quan niệm nghệ thuật tiến bộ của Nguyễn Tuấn: Cái đẹp có thể sản sinh ở bất cứ nơi nào cho dù đó là nơi cái ác ngự trị nhưng nó không thể sống cùng cái ác và sự dơ bẩn. Đặc biệt, cái đẹp và nhân cách có thế cảm hóa con người.
Văn học không chỉ phản ánh thế giới khác quan mà còn biểu hiện toàn bộ thế giới chủ quan của nhà văn. Là nơi mà những sáng tạo, cái tôi cá nhân của nhà văn được thăng hoa.Thế nhưng, cái tôi ấy phải gắn liền với thực tại, với thời đại, cái tôi phải truyền cảm hứng, những triết lý quan niệm đúng đăn về con người về nghệ thuật. Không chỉ ở nhà văn, độc giả đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi sự thành hay bại của một tác phẩm “Người sáng tác là nhà văn và người tạo nên số phận cho tác phẩm là độc giả” (M. Gorki). Văn học chỉ được sống trong lòng đồng cảm của bạn đọc. Tác phẩm phải đứa đựng sự rung động chân thực thì mới có thể lay động độc giả. Cho nên tác phẩm văn học bao giờ cũng là nhịp cầu nối liền trái tim người nghệ sĩ với tâm hồn độc giả. Và độc giả, cũng phải cố gắng tìm tòi, học hỏi những phong cách sáng tác, những quan điểm về nghệ thuật của các nhà văn để có thể hiểu rõ hơn những điều được gửi gắm trong tác phẩm, những suy nghĩ về cuộc đời con người của tác giả.
Đánh giá trên đã thể hiện một quan điểm hoàn toàn đúng đắn trong quá trình sáng tạo, cách tân của người nghệ sĩ. Cái tôi luôn là một đặc trưng, một gia vị không thể thiếu trong quá trình lao động sáng tác, để gửi đến cuộc sống những tình cảm, suy nghĩ chân thành nhất của nhà văn. Rồi từ đó văn học sẽ có thêm nhiều cái tôi đa dạng và phong phú, tạo ra những sắc màu riêng để hoàn thiện bức tranh văn học Việt Nam.