Bàn về ý kiến: “Thường thì sự xét đoán lòng can đảm không phải là sự dám chết mà là dám sống” (HS Nguyễn Đại Hoàng, lớp 12A10 năm học 2018 – 2019)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nếu nghịch cảnh trong cuộc sống là nước đun sôi một trăm độ C thì cách phản ứng của con người đối với nghịch cảnh có thể chia làm ba loại cơ bản: trứng, cà rốt và hạt cà phê. Trứng trước khi trải qua nghịch cảnh – tức nước sôi – là thứ mong manh dễ vỡ, nhưng sau khi trải qua thử thách thì loại bỏ lớp vỏ yếu đuối và trở nên cứng cáp hơn. Ngược lại, cà rốt bên ngoài trông mạnh mẽ nhưng sau khi trải qua nghịch cảnh thì lộ dần bản chất yếu đuối. Còn hạt cà phê chỉ đạt độ hoàn hảo và tuyệt mĩ khi được đun ở một trăm độ C. Như vậy, có thể thấy yếu tố quyết định sự biến đổi tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống phụ thuộc vào sự can đảm có dám đối mặt với thử thách như trứng, như hạt cà phê hay buông xuôi “chịu chết” như cà rốt. Lựa chọn của mỗi người trong thời điểm khó khăn cho thấy họ là kẻ nhút nhát hay can đảm:”Thường thì sự xét đoán lòng can đảm không phải là sự dám chết mà là dám sống”

Ngay từ khi đặt chân vào bậc tiểu học, ai ai cũng được dạy về sự dũng cảm, về lòng can đảm, song mấy ai thực sự hiểu rõ ý nghĩa của lòng can đảm ấy? Người ta nghĩ rằng những chiến sĩ ngoài trận tiền liều cả thân mình vì chiến thắng mới là can đảm, người ta nghĩ rằng những tấm gương dũng cảm liều chết chống lại tội phạm mới là can đảm, vậy suy cho cùng thì nhiều người vẫn nghĩ rằng khái niệm “can đảm” xoay quanh hai chữ “liều chết” và biểu hiện của lòng dũng cảm là bất chấp mạng sống trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Nhưng, nếu xét đoán lòng can đảm như vậy thì là một sự thiển cận nặng nề, bởi lẽ sự can đảm không chỉ dừng lại ở chuyện mạo hiểm tính mạng mà còn ở sự chấp nhận thử thách, sẵn sàng tiếp tục cuộc sống khi lâm vào bế tắc hay bị dồn vào bước đường cùng, ấy mới là can đảm. Còn những người khi rơi vào tình huống cùng cực mà không dám đối diện, tìm cách trốn chạy bằng việc kết liễu cuộc đời thì ấy thực chất là hèn nhát, là nhu nhược, là run sợ trước khó khăn, chứ không hề biểu lộ sự dũng cảm. Vậy, suy cho cùng, kẻ dám chết chưa hẳn là can đảm, nhưng kẻ dám sống thì chắc chắn là hiện thân của lòng dũng cảm.

Quay lại câu chuyện  về trứng, cà rốt và hạt cà phê, có thể thấy bản lĩnh con người cũng không khác tính chất của ba thứ kể trên là bao: đều cần được thử thách, và sau khi đương đầu với nghịch cảnh mới biết bản lĩnh thực sự bên trong mỗi con người. Trong cuộc sống, sự xét đoán lòng can đảm cũng tương tự, đừng thấy ai đó lúc nào cũng hùng hùng hổ hổ sống bất chấp ngày mai, không quan tâm sống chết mà cho đó là can đảm, ấy là sống khờ, sống dại, sống như những củ cà rốt mà thôi; còn những người xuất phát từ sự kém cỏi, yếu đuối không hẳn là nhút nhát và không can đảm, bởi lẽ họ dám tiếp tục sống, tiếp tục trui rèn ý chí, tôi luyện bản lĩnh để mạnh mẽ hơn. Như vậy có thể nói họ đã là can đảm hơn người và hơn những kẻ liều mạng kia rồi. Trong thực tế, không khó để bắt gặp những người như vậy – tức những tấm gương về sự dũng cảm đối đầu và dùng khó khăn làm điểm tựa để rèn luyện bản thân và sinh tồn với nghịch cảnh – tiêu biểu là cha đẻ của ngành vật lí vũ trụ – Stephen Hawking. Vào năm nhất đại học, Hawking phát hiện ra khả năng cầm nắm đồ vật càng ngày càng tệ, ông quyết định đến bệnh viện và sau đó nhận được một tin cực kì xấu: ông mắc phải một hội chứng rất hiếm gặp và không thể chữa trị dứt điểm, chỉ vài phần trăm dân số mắc phải căn bệnh này và tồi tệ hơn, người ta chẩn đoán rằng ông chỉ sống thêm được một vài năm. Trở về từ bệnh viện, Hawking quyết tâm tìm cách sống chung cùng căn bệnh và lòng can đảm của ông cuối cùng cũng được đền đáp: ông tiếp tục sống qua cả thời hạn mà các bác sĩ chẩn đoán, dù rằng Hawking bị bại liệt, phải ngồi xe lăn và không thể nói, mọi suy nghĩ của ông đều hiện trên màn hình máy tính gắn trên xe lăn, nhưng có hề gì! Điều quan trọng là ông vẫn sống và trở thành một trong những nhà vật lí hiện đại vĩ đại nhất trên thế giới. Qua đó, ta có thể thấy sự “dám sống” của Hawking mới thực sự là lòng can đảm, mới thực sự đáng khâm phục. Thử hỏi bao nhiêu người dám lựa chọn tiếp tục sống để đương đầu với khó khăn như Stephen Hawking thay vì buông xuôi để căn bệnh tước đoạt cuộc sống của mình? Cuộc đời của Stephen Hawking là ví dụ điển hình của hạt cà phê: chỉ đậm vị và đạt độ hoàn hảo khi đương đầu với nghịch cảnh.

Một thực tế đáng buồn là không phải ai cũng thấu hiểu giá trị thực sự của lòng can đảm, để rồi hủy hoại cuộc đời của chính bản thân chỉ vì muốn thể hiện sự “dũng cảm” của bản thân trước đám đông – ấy là những người không biết trân quý cuộc sống. Cũng có những kẻ vì không dám đối mặt với thử thách mà tìm đến cái chết để trốn tránh, thì ấy cũng chỉ là hạng nhút nhát, kém cỏi, run sợ nghịch cảnh mà thôi, hoàn toàn không thể hiện phẩm chất của lòng can đảm.

Trong trò chơi sinh tồn của đời sống hoang dã, cuộc săn đuổi giữa hổ và hươu là minh họa rõ nét nhất cho lằn ranh giữa “can đảm: với “hèn nhát” và “dám chết” hay “dám sống”. Con hổ cần chiến thắng con hươu nếu không muốn chết đói trong khi con hươu cần chiến thắng con hổ nếu không muốn bỏ mạng, và rõ ràng động lực chiến đấu của con hươu là lớn hơn rất nhiều: nếu con hổ không đuổi kịp con hươu, nó có thể tìm con mồi khác, nhưng nếu con hươu không thoát được con hổ, nó sẽ không còn con đường nào khác, đó là lí do mà trong hầu hết các cuộc đua, con hươu đều chiến thắng. Và lần duy nhất nó thua là lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng nó thất bại, nhưng ít nhất, lựa chọn của con hươu vẫn luôn là “dám sống” chứ không phải là “dám chết” dù nó biết rằng nếu tiếp tục sống đồng nghĩa với việc tiếp tục bị săn đuổi, nhưng có hề gì! “Còn sống là tốt rồi!” – hẳn là nó nghĩ vây mỗi khi phải chạy trốn kẻ thù. Tiếc rằng, ngày nay con người lại không có được bản lĩnh đương đầu khó khăn như con hươu, chỉ một số ít là “dám sống” thực sự, còn lại đều phó mặc cho số phận hoặc lựa chọn “chết” để trốn chạy khó khăn , ấy là sự hèn nhát và yếu kém cả trong suy nghĩ lẫn hành động.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại nhiều hoàn cảnh, trường hợp cụ thể đòi hỏi suy xét kĩ càng giữa “sống” và “chết”. Không hẳn ai cũng có thể lựa chọn “thà chịu nhục để bảo toàn mạng sống mà mưu nghiệp lớn” như Nguyễn Ánh mà đôi khi phải hi sinh bản thân đem lại lợi ích chung cho tập thể, cho đồng bào như anh hùng Lê Văn Tám tự biến mình thành ngọn đuốc sống để đốt kho đạn của địch hay vợ chồng Tổng đốc Trần Quang Diệu và nữ tướng Bùi Thị Xuân tận trung với nhà Tây Sơn, chấp nhận bị voi giày chết để bảo toàn bí mật về ấu vương Nguyễn Quang Toản. Ấy đều là những tấm gương về lòng can đảm trong lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó cho thấy đôi lúc biểu hiện trực tiếp của sự can đảm chính là sự dám chết vì lẽ phải, vì nhân phẩm cao quý  con người. Nói cách khác, lựa chọn “dám chết” hay “dám sống” có thể hiện lòng can đảm hay không còn phụ thuộc trực tiếp vào hoàn cảnh, tình huống cụ thể.

 

Vậy có thể thấy rằng, trong trường hợp phải đương đầu với nghịch cảnh, con người ta nên vận dụng linh hoạt giữa hai lối tư duy “Cách tốt nhất để vượt qua thử thách là đi xuyên qua nó” và “Hãy học cách ứng xử của nước: Khi gặp trở ngại, nó tìm cách tránh đi đường khác”, tức là can đảm một cách thông mình, tỉnh táo: dám đương đầu với khó khăn, không lựa chọn kết thúc cuộc sống khi lâm vào bế tắc nhưng cũng cân nhắc thời điểm thích hợp mà chọn “dám sống” hay “dám chết”. Và chung quy lại, bạn muốn là trứng, cà rốt hay hạt cà phê?