Bộ GD-ĐT phê duyệt 32 sách giáo khoa lớp 1, chưa có sách Tiếng Anh
Lượt xem:
Chiều nay 22-11, Bộ GD-ĐT họp báo công bố chính thức quyết định phê duyệt sách giáo khoa với 32 sách giáo khoa của 8 môn học, hoạt động giáo dục lớp 1 được phê duyệt. Riêng SGK môn Tiếng Anh chưa được phê duyệt.
32 sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT phê duyệt đợt này thuộc 5 bộ SGK của 3 NXB gồm NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học TP.HCM và NXB Giáo dục.
Trong số này, NXB Giáo dục có 4 bộ sách, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; và bộ sách Cánh diều của NXB Đại học sư phạm Hà Nội và NXB Đại học TP.HCM.
38 sách giáo khoa được thẩm định đạt, bộ phê duyệt 32
Qua hai vòng thẩm định, có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa (SGK) lớp 1 ở 9 môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá đạt (77,70%); 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá không đạt (22,3%).
Tuy nhiên, sau hai vòng thẩm định, Bộ GD-ĐT tiếp tục có một đợt rà soát để đảm bảo tính pháp lý của các bản mẫu SGK. Việc rà soát được đối chiếu với các tiêu chí, các yêu cầu mang tính nhất quán chung cho SGK cả cấp phổ thông cả ở các kênh hình, kênh chữ, nội dung, hình thức.
Ngày 21-11-2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này.
Riêng 5 bản mẫu SGK Tiếng Anh được Hội đồng thẩm định đánh giá đạt ở vòng 2 nhưng chưa được phê duyệt “do còn những vấn đề pháp lý phải điều chỉnh”.
Đánh giá chung về chất lượng SGK đã được thẩm định, Bộ GD-ĐT cho biết: Nhiều bản mẫu sách giáo khoa được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam, đảm bảo tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Tuy nhiên, trước buổi họp báo, vẫn có luồng ý kiến của nhiều chuyên gia nghi ngại về quy trình thẩm định, quan điểm của Hội đồng thẩm định SGK còn cứng nhắc khi vận dụng quy định pháp luật dẫn tới việc SGK vẫn là “đồng phục”.
Ngoài ra, liên quan tới ba cuốn SGK Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên bị loại từ vòng 1 dẫn tới việc sẽ đổ bể chương trình Công nghệ giáo dục đang triển khai rộng tại 48 tỉnh, thành – Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải rà soát lại việc thẩm định SGK và tổ chức đối thoại về “chương trình thực nghiệm” của GS Hồ Ngọc Đại.
Văn bản được chuyển đến Bộ GD-ĐT trước ngày họp báo công bố quyết định phê duyệt SGK.
Theo PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào – người có bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc loại SGK Công nghệ giáo dục, việc Bộ GD-ĐT không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mà vẫn tiến hành họp báo công bố quyết định phê duyệt SGK là việc khó hiểu.
Theo quy định trong Luật giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020, việc chọn sách giao khoa sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định. Tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang dự thảo thông tư lựa chọn SGK để lấy ý kiến rộng rãi.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, NXB thực hiện tốt khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn thực hiện tập huấn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi hướng dẫn lựa chọn SGK thế nào? Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Thông tư lựa chọn SGK sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện. Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỉ lệ đa số là giáo viên trực tiếp giảng dạy của môn học, cấp học.
“Dự thảo Thông tư lựa chọn SGK của Bộ GD-ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương” – đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định.
Tuy nhiên, trong vấn đề này, nhiều ý kiến vẫn cho rằng để việc lựa chọn SGK được chính xác, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy học ở từng địa phương thì thông tin về SGK đến các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và người dân nói chung phải đầy đủ, chính xác, được công khai rộng rãi.
Muốn thế, Bộ GD-ĐT cần công bố công khai biên bản thẩm định đối với các SGK.
Cũng có ý kiến cho rằng cần công khai cả bản thảo SGK trên mạng sau khi đã đảm bảo vấn đề bản quyền, vì chỉ khi được tiếp cận sách thì mới có ý kiến xác đáng, Hội đồng chọn sách phải được tham khảo ý kiến từ nhiều kênh khác nhau chứ không chỉ lệ thuộc vào ý chí của một số người trong hội đồng…