Các bài viết đạt giải trong cuộc thi viết giới thiệu sách về chủ đề “Thầy cô và mái trường mến yêu” của trường THPT Krông Ana
Lượt xem:
BTC cuộc thi xin trân trọng giới thiệu 2 bài viết đạt giải nhất và giải nhì trong cuộc thi viết giới thiệu sách về chủ đề “Thầy cô và mái trường mến yêu” của trường THPT Krông Ana năm học 2023-2024
1. Giải nhất: HS Lê Thiên Phúc Vân, lớp 12A7 giới thiệu cuốn sách “Viết lên hy vọng” của Erin Gruwell
Có một câu nói rất nổi tiếng của nhà sư phạm Xô Viết, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô Vasilij Aleksandrovich Sukhomlinskij được chính Erin Gruwell nhắc đến trong một buổi phỏng vấn rằng: “Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh, có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người.” Dù ở bất kỳ quốc gia nào, trong bất kỳ nền giáo dục nào, câu nói ấy vẫn còn nguyên giá trị. Thậm chí, nó đã trở thành một “kim chỉ nam” cho cô gái trẻ Erin – khi chọn cho mình con đường gieo nhặt những con chữ. Sinh ngày 15/8/1969, viết ra cuốn sách đầu tiên của mình khi mới chỉ là một giáo viên vừa ra trường vào năm 24 tuổi, Erin Gruwell dạy Anh văn tại một trường trung học “đa thành phần”. Cũng như nhiều người khác, Erin từng đi qua thời học trò ngây thơ. Sau đó, trải nghiệm đến thời sinh viên với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Và rồi tất yếu, tác giả cũng trải qua cuộc sống văn phòng với những hành trình chiêm nghiệm, khám phá đầy ý nghĩa. Không gây ấn tượng mạnh mẽ về hành văn hay lối diễn đạt, cũng không quá mới mẻ hay sáng tạo độc đáo về cách đặt vấn đề, phong cách kể chuyện… Cuốn sách của Erin Gruwell có thể ví như một dòng suối ngọt ngào chảy qua tưới mát tâm hồn người trẻ. Là một cuốn nhật ký đơn thuần, nhưng nó không đem đến những câu chuyện tiêu cực chán chường như một số cuốn sách dịch, cũng không quá bỗ bã, cảm tính như một vài cuốn sách khác. Nó như một ô cửa sổ hé mở cho độc giả thấy công việc giáo dục con người, là lời tự kể của những người trong cuộc, những người giáo viên. Những con người đó, họ là ai? Khi một người chồng bỏ một cô giáo để ra đi, cô ấy quay trở lại công việc ngay ngày hôm sau. Khi một học sinh khác bị bắn, người giáo viên vẫn tiếp tục quay trở lại công việc. Khi trường học bị đánh bom, người giáo viên phải làm học sinh của mình cảm thấy an toàn. Họ cũng chỉ là những con người rất bình thường, với những cung bậc cảm xúc rất chân thực, rất đời thường, thế nhưng họ vẫn phải trở lại để dạy học, để truyền niềm tin và hi vọng về tương lai vì học sinh của họ đang cần họ. Dù họ đang tuyệt vọng hay đang lạc quan thì họ vẫn phải luôn cố gắng để truyền niềm tin của bản thân và hi vọng về tương lai tươi sáng cho học sinh của mình. Không chỉ là những câu chuyện bình thường, cuốn sách ấy được viết từ những câu chuyện, những cảm xúc vô cùng chân thực. Trong đó không chỉ có những ánh sáng hi vọng như một câu chuyện cổ tích mà nó còn có cả những góc tối, những cảm xúc tiêu cực khiến cho cuốn sách trở nên rất đời, rất gần gũi với mỗi một độc giả. Đặc biệt hơn nữa, cuốn sách như một lời tự sự về chính cuộc đời của mỗi một người giáo viên trong nhóm Nhà văn Tự do và Eurin Gruwell. “Viết nên hy vọng”, cũng đã đưa ta thêm một lần được đối diện với bản thân, nhìn vào hiện thực tàn khốc về những dòng chữ đau đớn, những sự thực phũ phàng về tệ nạn phân biệt chủng tộc và sự chia cắt làm tan vỡ những trái tim, do nạn lạm dụng tình dục. Đó là một bức tranh hiện thực tàn khốc – vượt lên từ những hy sinh, để lấp lánh thông điệp tình yêu và niềm hi vọng của con người. Erin Gruwell đã đánh thức trong chúng ta những “phần người” còn đang e ấp : đau đớn, xót xa, vỡ òa và hạnh phúc – đó sẽ là những hỷ – nộ – ái – ố mà ta sẽ cùng tác giả đi qua sau mỗi một câu chuyện được kể lại, để rồi đến cuối cùng, người giáo viên ấy đã thắp nên một ngọn lửa rực rỡ mà sáng lòa trong mỗi trái tim đang thổn thức : “Làm thế nào để cất lên những lời chào hy vọng trong chính chúng ta ?”
“Ai trong chúng ta cũng có một câu chuyện, vì thế hãy tìm cách lắng nghe chúng trước khi từ bỏ.” – Đó là câu nói mở đầu của cô giáo Erin khi nhận được thông báo sẽ phụ trách nhóm các học sinh được coi là “không thể dạy được”, những học sinh sống trong những khu vực ngập tràn ma túy, băng đảng, bạo lực, nghèo đói và căng thẳng chủng tộc được kể lại trong chương đầu của cuốn sách. Chúng được xem là mầm mống của tai hoạ, và tương lai đây sẽ trở thành những gánh nặng khôn lường mà chẳng ai muốn gánh vác. Ban đầu, gần như cả lớp đều tỏ thái độ chống đối cô bằng những trò quậy phá, đánh nhau trong lớp, trốn tiết… Lũ học trò cùng nhau dự đoán xem cô sẽ trụ lại trong bao lâu nữa: 1 ngày, 1 tuần, hay cùng lắm là 1 tháng. Thế nhưng chúng không ngờ, cô đã đến và sẽ trụ lại hết quãng đời còn lại của chúng.
“Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mênh mông nhưng kỳ thực lại rất hữu hạn ngắn ngủi. Nên nếu bạn còn trẻ, hãy học cách để biến tuổi trẻ của bạn thành vô giá”. Tuổi trẻ là cái cảm giác gì đó có phần thơ mộng, có một chút hồn nhiên mang trong đó là những năm tháng tự do dang rộng đôi cánh bay lên khoảng trời thênh thang, đón lấy những gì đẹp nhất, tươi sáng nhất mà tạo hóa ban tặng. Erin đã từng sống trong những năm tháng tuyệt vời ấy của thanh xuân, và cô luôn khát khao tạo nên những “vệt sáng” trong hành trình trưởng thành của những “mầm non tương lai đất nước”, để cống hiến, cùng các em lớn lên, cùng bước qua những tháng ngày tươi đẹp nhất. Đó chắc chắn sẽ là viễn cảnh lý tưởng nhất cho một cuốn sách mang đề tài giáo dục, đặc biệt khi nó là cuốn nhật ký vô cùng chân thực. Thế nhưng, “Viết nên hy vọng” đem đến những hiện thực trái ngược, những đứa trẻ trong sách, từng tuổi ấy họ đã quá quen với nào là sự phân biệt màu da, chủng tộc, nào là mà tuý, là súng và băng đảng,… Chúng không hề tin vào điều tốt đẹp, vào lẽ phải, công bằng mà chỉ tin vào việc bản thân phải chiến đấu, phải mạnh mẽ để dù chết, cũng chết như một “anh hùng”, một chiến binh thực thụ vì băng đảng của mình. Sự chiến đấu có phần nông nổi bởi mong muốn thể hiện bản thân, cái tôi và sự phân biệt. Erin Gruwell vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra gần như tất cả học sinh trong lớp đều không hề biết gì về cuộc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức và các nước cùng phe trong Thế chiến thứ hai, thế nhưng chính các em lại đang là nạn nhân của một cuộc chiến khác – một cuộc chiến không được tuyên bố nhưng không kém phần đau thương và thống khổ : Cuộc chiến của quyền sống và những khát khao trong tâm hồn.
Dù buồn bã và tổn thương bởi những yêu thương chưa thể trao gửi, nhưng chính Erin cũng hiểu rằng : “Phải cởi bỏ các thành kiến sẵn có thì mới mong học hỏi được những điều mới lạ.” Vì vậy, cô đã bắt đầu hành động, hơn cả thiên chức của một giáo viên. Cô lắng nghe, quan tâm đến học trò và mong muốn chia sẻ. Khi Erin bắt đầu trò chơi “Đứng trên đường thẳng” – cô dán một tấm băng đỏ xuống sàn tạo thành đường thẳng ngay giữa lớp và yêu cầu học trò bước lên đó khi trả lời câu hỏi của mình – khán giả bắt đầu rung động. “Đứng trên đường thẳng nếu em mất một người bạn vì nạn bạo hành băng đảng” – cả lớp bước tới đường thẳng. “Ở lại đường thẳng nếu em mất nhiều hơn một người bạn… hai người bạn… hơn bốn người bạn…”. Những đứa học trò khác biệt màu da, khác biệt tầng lớp xã hội bỗng chốc cùng nhận ra rằng chúng có quá nhiều điểm chung, từ những niềm vui, những nỗi buồn đến những nỗi đau mất mát. Và chúng bắt đầu hiểu ra, thứ duy nhất ngăn cản chúng thấu tận cho những bi thương không phải là ngoại hình hay tín ngưỡng – đó là định kiến, là ám ảnh tột cùng, cũng là sự e dè không dám mở lòng để đón nhận những tình cảm đẹp đẽ của tuổi thần tiên.
“Cô muốn các em phải viết mỗi ngày vào cuốn sổ này, viết điều gì cũng được, về quá khứ, về hiện tại, về tương lai, với những suy nghĩ của các em. Cô sẽ không chấm điểm, vì ai lại đánh giá những suy nghĩ chân thật. Nhưng cô muốn các em phải viết mỗi ngày, như nhật ký, và đó là bài tập của các em. Nếu ai muốn cô đọc, hãy để sổ của mình vào ngăn tủ cuối phòng”… Đây chính là bài tập về nhà đầu tiên, cũng là “nút thắt” đã thay đổi cuộc đời của “những đứa trẻ ở phòng 203” thuở ấy. Erin đã quyết định giới thiệu với cả lớp hai cuốn sách viết về lòng khoan dung của con người. Đó là hai cuốn nhật kí có rất nhiều nét tương đồng của Anne Frank – cô bé nạn nhân của cuộc tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai và Zlata Filipovic – người thiếu nữ viết về cuộc sống của mình trong cuộc chiến ác liệt ở Sarajevo. Từ những nét tương đồng giữa Anne và Zlata với các học sinh của mình, Erin cho các em bắt đầu viết những dòng nhật ký đầu tiên về cuộc sống đầy rẫy bạo lực, vô gia cư, phân biệt chủng tộc, bệnh tật và bị lạm dụng… của các em. Phải chăng lúc này đây, hệt như lời của Vijaya Lakshmi Pandit từng nói : “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”.
Từ những dòng nhật ký đó, Erin Gruwell dần thấu hiểu được hoàn cảnh riêng của từng em, cô đã tìm mọi cách giúp các em lấy lại niềm tin vào chính bản thân mình, và niềm tin rằng các em cũng có cơ hội để trở thành người có ích cho xã hội, rằng nếu thật sự muốn, các em không những có khả năng thay đổi được cuộc sống của mình mà còn có thể thay đổi cả thế giới đã thực sự khiến toàn thế giới phải thán phục, dù chỉ là được tái hiện qua những dòng hồi ức. Chìm đắm trong cuốn sách “Viết nên hy vọng” độc giả như được mở ra một tầm nhìn mới, một cách suy nghĩ khác mà có thể trước giờ họ chưa từng trải nghiệm, ta càng thêm thán phục và trân trọng hơn vai trò của những người thầy giáo, cô giáo – những “người lái đò” đầy thân thương và nhẫn nại. Những thanh âm cứ ngỡ là vô tri, những câu chuyện tưởng chừng là sáo rỗng ấy, đi vào trang sách lại hoá dịu dàng, đầy suy tư và chiêm nghiệm. Chúng ta có thể đi sâu vào những góc tối của tâm hồn trải nghiệm những cảm giác khác biệt mà bấy lâu nay chúng ta vẫn chưa thể nhìn thấy ở bản thân, từ đó tìm tòi ra khả năng, giá trị tiềm ẩn của con người để phát triển đó theo đúng năng lực và sở trường, thúc đẩy, nâng cao hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân cũng là nhờ đọc sách. Ta thấy được những vẻ đẹp khuất lấp của những “học sinh không thể dạy”, để thương cảm và trao cho chúng cơ hội thêm một lần được sống, cũng nhờ sách. Có lẽ,“Sách thật sự kì diệu. Bởi vậy không đọc sách mỗi ngày là một thiệt thòi lớn”.
Từ những màn đêm đen kịt, từng câu chữ dần dần trở nên xán lạn cũng giống như những mảnh đời trong cuốn nhật kí vậy, cứ ngỡ là phải sống mãi trong sự dày vò nhưng rồi các bạn học sinh đã cùng nhau thoát ra khỏi một tương lai đen tối để bước về phía trước. Không chỉ hướng dẫn đưa ra gợi ý cho nhưng đứa trẻ về những con đường để gìn giữ thanh xuân sao cho sống thật xứng đáng, không sống hoài, sống với tuổi trẻ mà Erin Gruwell còn chỉ ra cách để các bạn ấy khám phá, định hình được bản thân những tiềm năng, khả năng bí ẩn được giấu kín trong phần chìm của tâm hồn. Bọn trẻ xem lớp học là nhà, gọi Erin là “mẹ”. Chúng bắt đầu viết những suy nghĩ về cuộc sống hiện tại, những ước mơ tương lai, mà mỗi câu chuyện được đọc lên lại khiến độc giả phải ngạc nhiên tột cùng rồi ứa nước mắt. Chúng thay đổi trong suy nghĩ, trong cách sống, và có khi phải đối mặt với những thay đổi nghiệt ngã có thể ảnh hưởng đến mạng sống của chính mình. Không còn là những lời nghi vấn quan hoài : “Đây là nước Mỹ ư? Nước Mỹ của tự do, dân chủ mà người ta vẫn hay gọi là miền đất hứa thật sao?” Còn điều gì ta chưa kịp biết? Còn bao nhiêu thứ khiến ta phải chợt rùng mình để rồi rung động? Đến bao giờ những đứa trẻ mới thật sự được sống, được yêu thương ?….” Erin Gruwell đã khiến ban đầu là cả trường, sau đó là giới truyền thông và cả nước Mỹ phải kinh ngạc vì những gì cô và các học sinh của mình đã làm được. Dù gặp vô vàn khó khăn khi các đồng nghiệp cùng khoa tỏ thái độ thiếu thiện chí, dù cuộc sống riêng tư của Erin bị đảo lộn bởi cô dành quá nhiều thời gian và tâm huyết cho “những đứa trẻ ở phòng 203” nhưng những nỗ lực của cô cũng được đền đáp khi cuốn sách “Viết lên hy vọng” tập hợp chính những trang nhật ký của cô và các em được xuất bản và làm rung chuyển cả nền giáo dục Mỹ lúc đó. Không ai tin vào những điều cô gái ấy làm được. Cô nói cho chúng nghe về nạn diệt chủng với người Do Thái, cho chúng đọc về nhật kí Anne Frank, nhật kí Zlata Filipovic, về sự mất mát nhưng đáng để kể lại, thay vì “dạy đời” chúng với những quy định và ngôn từ sáo rỗng.
Ban đầu, khi Erin tới, cái mà ta đọc được trong đầu những đứa trẻ là” “Tôi không thể tốt nghiệp cấp 3”, “Tôi chẳng mấy hi vọng mình sẽ sống đến năm 18 tuổi”, “Tôi phải chiến đấu”, “Chẳng còn hi vọng đâu, rồi cái thế giới không công bằng này sẽ vùi dập mọi thứ. Chẳng có gì tốt đẹp, cũng chẳng có ai quan tâm thật lòng. Và rồi sự thay đổi cũng sẽ đến, khi người ta đọc được những câu chuyện viết lên bằng trái tim, tự mình viết ra từ trái tim và lắng nghe trọn vẹn với trái tim của mình. Tình yêu, niềm tin và hi vọng qua năm tháng đã được nhen nhóm. Chúng học cách nói lên sự thật và yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Đó là biểu hiện của một cuộc sống tử tế, xa hơn là một cuộc đời tử tế. Chắc chắn khi con người ta được kết nối, được gần gũi với tâm hồn , con người sẽ có điều kiện trở về với chính mình, đều là những người chất phác và đầy yêu thương. “Viết lên hi vọng” thực sự đã khiến người đọc rưng rưng và hồi hộp vì được chứng kiến qua từng trang sách những thay đổi theo hướng tốt đẹp của những đứa trẻ thuộc tầng lớp đáy của một hoàn cảnh sống hỗn loạn và bạo lực, đã mong muốn được trở thành những ngọn lửa, những tia chớp và tiếng sấm, có thể thay đổi được thế giới. Chính Erin Gruwell là người khơi dậy trái tim cho những bạn trẻ, đọc cuốn sách để thấy thêm yêu mến những “người truyền lửa”, trân trọng những người giáo viên thực sự đã bước qua đời ta. Đọc sách của Erin, ta nhận ra giá trị thực sự của giáo dục và cảm thông, để vẽ ra trước mắt một tương lai gợi mời, một tuổi trẻ chờ ngày được khám phá, là “ngọn đuốc sáng cho những tuổi trẻ vô định”.
“Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ” (Galileo). “Viết lên hy vọng” – với những câu chuyện thực tế dễ đồng cảm và soi chiếu tuổi trẻ của bản thân trong đó đã đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ, cũng chính là lời tri ân thiện mỹ nhất dành cho một nhà giáo vì những vất vả, gian nan mà họ phải trải qua và vì bầu nhiệt huyết cùng lòng say mê, tình yêu mà họ dành cho sự nghiệp “trồng người” của mình. Erin Gruwell đã viết: “Tôi rất hi vọng cuốn sách này sẽ đến được với người giáo viên mà bạn yêu quý nhất, rằng mỗi cá nhân sẽ tìm thấy một phần cuộc đời mình qua những trang sách này. Tôi hi vọng bạn sẽ cảm thấy cảm thông và yêu kính các nhà giáo dục. Tôi cũng hi vọng những người đang làm thầy sẽ nhìn thấy mình trên gương mặt những đồng nghiệp dũng cảm đã chia sẻ những điều không yên ổn trong lớp học và những chiến thắng nhỏ nhoi họ dành được”. Đến nay, những dòng viết hy vọng đó đã và đang trở thành những món quà quý báu, tựa như một lời tri ân cho những nhà giáo dục, cho cả những thầy cô giáo đã và đang miệt mài trên hành trình “thay đổi thế giới” của chính mình. Tôi luôn tin rằng : Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến được tới trái tim, cuốn sách này đã trở thành động lực, trở thành ngọn đuốc soi đường giúp sợi dây liên kết ngày càng bền chặt, thấu hiểu hơn giữa người và người với nhau. Đọc sách tuy không phải là thứ có thể ép buộc, nhưng là thứ có thể dẫn dắt. Hãy tìm đến với “Viết nên hy vọng” để học cách lớn lên, trưởng thành như chính những “học sinh của phòng 203” năm ấy. Và tôi nghĩ rằng, khi gấp lại hành trình dài 460 trang, cùng Erin bước qua vô vàn những thử thách trong sự nghiệp trồng người, chúng ta đều sẽ hiểu vì sao những “đứa con bị ruồng bỏ” ngày ấy, vẫn luôn nhắc đến Erin bằng niềm tin mãnh liệt rằng : “Giờ bạn đã hiểu vì sao mình lại hứng thú như vậy khi được học lớp cô Gruwell thêm một năm nữa, thậm chí là mong cầu được mãi mãi học với người cô giáo tuyệt vời ấy.. Mãi mãi đến sau này..”
2. Giải nhì: HS Hoàng Minh Châu, lớp 11A6 giới thiệu cuốn sách “Bài giảng cuối cùng” của Randy Pausch
Đã có bao lần tôi tự hỏi: liệu cuộc đời mình sẽ là chiếc lá, thả mình bay theo chiều gió cuốn ? Hay cánh chim tự do, chao chiêng giữ bầu trời xanh ngát ? Là cây phượng sừng sững đứng che mát cả một khoảng sân ? Hay sẽ là sòn sỏi nhỏ nằm lặng im trên nền đất cằn cỗi giá rét ? Cuộc đời mỗi người do chính chúng ta lựa chọn. Bởi lẽ, học tập là cuộc tìm kiếm kho báu của mỗi cá nhân, là hạt giống của kiến thức. Nhưng để có cho mình được những nét chữ đầu tiên, ta không thể quên được công lao to lớn của những “người lái đò”. Ảnh hưởng của người thầy là vĩnh cửu. “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác” – Usinxki.
Một người thầy giỏi giống như ngọn nến – nó đốt cháy chính mình để soi sáng đường cho những người khác. Không phải ai cũng có thể dễ dàng có được một nghề “đẹp” trong mắt người khác. Bởi để “đẹp”, ta cần phải có lòng yêu và thương nghề. Đôi khi, để đào tạo ra được những thế hệ trẻ, người nhà giáo còn cần phải hy sinh cả cuộc đời, đánh đổi cả tâm – trí, để giúp ta hoàn thiện được cái chân – thiện – mĩ. “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” – cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Để ta hiểu rằng, dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học. Với nghề giáo, sản phẩm họ đào tạo ra là con người cả về trí tuệ, nhân cách và là tiền đề để hình thành nên xã hội, nếu không vững chí, vững tâm thì có thể dẫn đến hậu quả khôn lường cho cả một thế hệ bởi sự sơ suất nhỏ của mình. Nó không giống một số nghề khác, bởi khi tạo ra một sản phẩm chưa thực sự đẹp mắt, họ có để làm lại, nhưng đối với nghề thầy giáo thì không. Bởi vì dạy học không bao giờ là một nghề tầm thường, hoặc là một kế sinh nhai mà là một “Thiên chức đam mê”. Mac xim Gooc Ki đã viết “Tiền đồ trẻ em và nhân dân đều nằm trong tay thầy giáo, đều nằm trong trái tim cao quý của thầy giáo”.
Mỗi người giáo viên đều mang trong mình những đam mê và lòng yêu thương sâu sắc đối với nghề nhà giáo. Cuốn sách “Bài giảng cuối cùng” của Giáo sư Randy Pausch đã khắc hoạ cho ta thấy được sự nhiệt huyết và yêu nghề của thầy ấy. Điều độc đáo trong bài thuyết giảng sau cùng của Giáo sư Randy Pausch ở chỗ, thay vì nói đến chính cái chết của mình, ông đã quyết định dựa vào nó để nói đến lẽ sống: một lối sống tràn đầy những mơ ước, niềm vui, sự hào hứng cùng tình cảm cháy bỏng dành tặng bất cứ thứ gì cho một ai đó khi thật sự say mê, thật sự trân trọng cuộc sống.
Giáo sư Randy Pausch sinh năm 1960, tại Đại học Brown, có văn bằng thạc sĩ thuộc chuyên ngành khoa học máy tính từ Trường Đại học Carnegie Mellon. Năm 1997, ông tiếp tục công việc giảng dạy. Ngoài công tác giảng dạy bộ môn Khoa học Máy tính, Tương tác Người – Máy tính và bộ môn Thiết kế ở bậc Đại học, ông đã từng hợp tác với nhiều công ty lớn bao gồm Adobe, Google, Electronic Arts (EA), Walt Disney Imagineering và cũng là người sáng lập dự án Alice…
“Bài giảng cuối cùng” là một dự án của trường đại học Carnegie Mellon (Mỹ) mỗi năm. Một giáo sư sẽ được mời thuyết trình bài giảng cuối cùng của mình cho sinh viên vào mỗi năm. Đó là một truyền thống của trường, dành cho những giáo sư tiến sĩ trước khi về hưu hoặc chấm dứt sự nghiệp giáo dục của mình, qua đó người giảng như rút hết tinh túy của mình để truyền lại lần cuối và người nghe có một khoảnh khắc để suy ngẫm về những gì ý nghĩa nhất trong cả cuộc đời và sự nghiệp của vị giáo sư ấy.
“Bài giảng cuối cùng” của Giáo sư tin học Randy Pausch không phải là một buổi giảng tại một giảng đường nhỏ dành cho một lớp học 30-40 sinh viên mà là dành cho hàng trăm người tham dự. Không chỉ người dân ở Mỹ mà khắp thế giới đều dõi theo bài giảng cuối cùng của thầy ấy với nhan đề “Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ” với hình ảnh được chụp cắt lớp, chiếu lên tường. Randy cho mọi người biết về căn bệnh ung thư quái ác đang tàn phá và sắp cướp đi mạng sống của ông trong vài tháng tới. Nhưng trên bục giảng ngày hôm ấy, giáo sư trông rất trẻ trung, đầy sức sống và tươi vui như thể ông là một nhà vô địch đã chiến thắng được cuộc chạy đua của chính mình. Nhưng đó cũng chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, mà chính ông sau này đã thú nhận.
Bài giảng của Randy đã trở thành một hiện tượng, tựa như quyển sách ông viết dựa trên cùng chủ đề, ca ngợi những mơ ước mà tất cả chúng ta đã đấu tranh để biến thành cái hiện thực. Trong quyển sách này, Randy Pausch đã kết hợp giữa khiếu khôi hài, sự lôi cuốn, cùng trí thông minh đã khiến cho bài giảng của ông trở thành một hiện tượng và có một hình ảnh khó phai mờ. Thông điệp ý nghĩa trong bài giảng cuối cùng của Giáo sư Randy Pausch đã thầy trình bày bài phát biểu sâu sắc về chủ đề “Thực sự đạt được những giấc mơ của mình”. Các sinh viên ví bài giảng của ông vào ngày hôm đó chẳng khác nào một bữa tiệc tràn ngập các cung bậc cảm xúc bao gồm cả tiếng cười lẫn những giọt nước mắt. Vậy, nội dung mà ông đã truyền tải là gì?
Ông lấy góc nhìn từ một người đàn ông đang đối mặt với cái chết và đánh giá lại những điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. “Đừng bao giờ đánh mất sự kỳ diệu của một đứa trẻ”… “Hãy tỏ lòng biết ơn… “Đừng than phiền”… “Hãy làm việc chăm chỉ hơn”… “Không bao giờ bỏ cuộc”, đó là các thông điệp mà giáo sư Pausch nhắn gửi tới người xem. Ông cũng nhấn mạnh rằng, nếu như không thể đạt được ước mơ thì chúng ta cũng đã tích lũy được những kinh nghiệm phong phú khác. “Kinh nghiệm là những gì bạn nhận được khi bạn không thể chạm tay vào ước muốn của mình”, Giáo sư Pausch chia sẻ.
Bởi “Các giáo sư được yêu cầu nói về những thất bại và về những gì có ý nghĩa nhất đối với họ. Trong khi họ thuyết trình, cử tọa cũng day dứt với cùng câu hỏi: Có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, thì ta muốn cái gì sẽ là di sản của ta để lại ?” Nhưng bài giảng của ông lại khác. Cái khác ở đây không phải là về cái chết, mà lại là về việc vượt qua các trở ngại, về việc giúp cho những ước mơ của những người khác, về việc tận dụng mọi khoảnh khắc thời gian (bởi “thời gian là tất cả những gì bạn có … và một ngày nào đó bạn sẽ thấy bạn có ít hơn là bạn tưởng”). Đó là đúc kết những gì mà Randy tâm đắc về cuộc sống – “Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ.”
Bài thuyết trình của Randy về “Thật sự đạt được những ước mơ tuổi thơ”, là những triết lý nhẹ nhàng nhưng thâm thúy về cuộc sống. Nó cuốn hút như chính con người ông. Thay vì nói về bệnh tật và cái chết, bài thuyết trình nói về sự sống, về việc thực hiện những ước mơ của chính mình, và tạo điều kiện cho những người khác thực hiện ước mơ. Ông đã sống từng ngày như thể đó sẽ là ngày cuối cùng còn tồn tại. Đối với ông, đạt được những ước mơ là được sống cuộc đời của chính mình. Hãy sống đúng đắn, ta sẽ đạt được ước mơ và nhớ đừng bao giờ từ bỏ. Cuộc đời của Randy chính là minh chứng hùng hồn cho những gì mà ông đúc kết.
Trong cuốn sách này, giáo sư không chỉ truyền đạt được cho ta những khát vọng của mơ ước mà ở đó ông còn mang đến một gia trị nhân văn khác từ mái ấm gia đình – động lực cho những quan điểm tích cực của Giáo sư Randy Pausch. Quan điểm tích cực của ông dường như đến từ mái ấm gia đình. Khi ông và người mẹ thân yêu đã cùng nhau chạy xe đua vào sinh nhật lần thứ 70 của bà cùng với lời chúc sinh nhật ấm áp mà ông gửi đến người vợ mặc dù ngay tại buổi lễ hôm ấy, người xem không thể nghe rõ được những lời thì thầm bên tai, người vợ – bà Jai đã nói rằng “Anh Pausch, xin anh đừng ra đi…” . Và ông cũng biết rằng, mình còn rất ít thời gian để được gắn bó cùng các con nên ông đã viết ra những danh sách riêng các kỷ niệm với từng đứa. Cuốn sách đã được Giáo sư Pausch viết trong những tháng cuối cùng của cuộc đời. “Bài giảng cuối cùng” đã được hoàn thành gấp gáp trong thời gian kỷ lục bởi những lý do mà ai cũng hiểu.
“Ông kết thúc bài giảng với vài lời giải thích rằng: Thứ nhất, bài giảng của tôi không thực sự nói về việc “phải làm thế nào để đạt được ước mơ”. Nó chỉ đơn giản nói về cách bạn nên sống ra sao mà thôi. Nếu bạn dẫn dắt cuộc đời mình theo đúng hướng, bạn sẽ nhận được những “trái ngọt” và nhiều ước mơ sẽ tự đến với bạn. Thứ hai, để kết thúc bài thuyết trình của mình, Giáo sư Pausch phát biểu rằng: “Bài thuyết trình này không dành cho các bạn mà nó dành cho 3 đứa con của tôi”.”
Ta có thể thấy được, đó không chỉ là “Bài giảng cuối cùng”, không phải là những kiến thức cao rộng mà ông muốn truyền đạt đến những cô cậu học sinh của mình, mà đó chỉ là những lời thủ thỉ gieo mầm ước mơ cho những con người ấy. Ở đó, ta có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề nhà giáo. Bởi lẽ người thầy, với vai trò định hướng cũng như trao gửi những kiến thức cần thiết cho học sinh thì ở đó, họ còn là những người tiếp bước, giữ lửa cho những ngọn đuốc của tri thức. Không những thế, người thầy còn chính là người mẹ thứ hai của mỗi chúng ta. Không chỉ là kiến thức trong sách giáo khoa mà còn là những kiến thức về đời, những kỹ năng sống cấp bách. Họ dùng tất cả những gì tâm huyết để hằng nằm lại đưa những đứa con của mình qua sông bằng chính chiếc đò tri thức. Để từ đó, trong mỗi chúng ta phải học cách vươn ra biển lớn bằng sức lực, bằng trí tuệ và lời bảo ban của thầy cô.
Không chỉ trong cuốn sách “Bài giảng cuối cùng” của Giáo sư Randy Pausch phác hoạ rõ rệt nhất về sự tận tâm của một người nhà giáo; mà chính trong những ngày tháng học trò của chúng ta càng dễ dàng cảm nhận được sự yêu thương và nhiệt huyết của những “người dẫn đường tri thức”. Họ không chỉ đem lại cho ta những kiến thức bổ ích của những tiết học mà còn thắp lửa cho ta thêm những ước mơ và sự kiên trì đồng hành của họ. Cái “đẹp” của nghề nghiệp không chỉ được miêu tả ở lớp vỏ bên ngoài mà còn cái tâm ở bên trong. Bởi cái đam mê, nhiệt huyết của sự yêu nghề là một điều không thể phủ nhận. Không những thế, ở “Bài giảng cuối cùng” của Giáo sư Randy còn cho ta thấy được sự tích cực khi đối diện với cái chết và tình yêu thương vô bờ bến của một người cha. Nhưng ở đó ông cũng đóng vai trò là một người thầy, thắp lên những ước mơ cho ba chàng hoàng tử bé mà ông yêu thương bởi sau này giáo sư chẳng thể ở cạnh bên chúng.
Có ai dám tự tin khẳng định rằng bản thân không cần thầy cô dạy dỗ mà vẫn thành tài hay không ? Chắc chắn là có rất ít cá nhân làm được điều này. Bởi ngay từ thơ bé, thầy cô đã dạy ta phải biết hiếu thảo, lễ phép với ông bà, cha mẹ. Lớn lên, thầy cô lại truyền cho ta những kiến thức bổ ích, phục vụ vào đời sống. Mười hai năm học hành trên ghế nhà trường, thầy cô luôn đồng hành, giúp đỡ tất cả các học trò. Không chỉ giảng dạy tri thức bài học, họ còn chỉ bảo về kinh nghiệm sống quý báu. Bởi vậy nên công ơn to lớn của nghề nhà giáo là điều không thể cân đo đong đếm. Vì những người lái đò thầm lặng ấy đã dùng hết nhiệt huyết, tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vĩ đại.
Một cuốn sách mang đến cho người đọc những góc nhìn nội tâm bởi nó đóng những vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Song, cho ta thêm những hiểu biết để thêm trân trọng về nghề nhà giáo. Bởi lẽ cái “hồn”, cái “đẹp” được giáo sư truyền tải một cách tinh tế đến người nghe khi ông chẳng màng đến bải giảng cuối cùng ấy, mình sẽ mang lại được những kiến thức và giá trị nào. Mà thứ ông muốn mang đến cho người nghe là ngọn lửa về những mơ ước cho các thế hệ sau, cái cao cả của nghề nhà giáo, mà không những thế còn về sự tích cực và tình yêu thương gia đình nhỏ của mình.
Rõ ràng, nhà giáo là một trong những con người thầm lặng nhưng lại vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Ánh sáng người nhà giáo sẽ luôn rọi sáng để mỗi chúng ta biết khắc sâu công ơn dạy dỗ. Và rồi trưởng thành, vững bước trên con đường đời mà mình lựa chọn. Thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai trong cuộc đời mỗi người. Không chỉ cho ta thêm tri thức, mà còn thay cha mẹ dạy bảo, luyện cho ta những bài học làm người. Qua bài học tính nhân văn, cách ứng xử, triết lý cuộc đời, thầy cô còn ở bên ta giáo dục ta để trở thành người có tri thức, có văn hóa đạo đức. Bên cạnh đó, họ luôn dành tình cảm yêu thương, bồi đắp tâm hồn ta, thắp sáng ước mơ, vẽ ra cho học trò con đường đi tới tương lai. Người thầy, người cô không chỉ chỉ cho học trò con đường đi mà còn khích lệ ý chí phấn đấu để thực hiện hoài bão, mục đích, ước mơ của mỗi con người.