Cảm nhận về đoạn một của tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” (HS Võ Nguyễn Huyền My, lớp 10A2, năm học 2019-2020)
Lượt xem:
Văn học không chỉ là nơi để con người thể hiện những tâm tư, suy nghĩ thầm kín, những cung bậc tình cảm, tư tưởng cao đẹp mà ở đó còn vang vọng âm hưởng sâu thẳm, hùng tráng của lịch sử. Trong dòng chảy văn học dân tộc có những áng thơ văn ra đời ở những thời khắc quan trọng của lịch sử có thể xem là bản tuyên ngôn của đất nước như tác phẩm “Đại Cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi, đây là một tác phẩm thấm nhuần tư tưởng nhân văn cao đẹp. Ta có thể nhận thấy rằng tư tưởng nhân nghĩa là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt tác phẩm, tư tưởng ấy cùng tư tưởng độc lập chủ quyền được nêu cao ngay trong đoạn mở đầu của “Đại Cáo bình Ngô”.
Nhắc đến Nguyễn Trãi chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không thể quên được vẻ đẹp của một con người vì dân, vì nước, một con người của dân tộc. Nguyễn Trãi là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, một nhà thơ lớn có cuộc đời gắn bó máu thịt với những biến động của lịch sử dân tộc. Ông là một danh nhân văn hóa thế giới làm vẻ vang thêm cho tên tuổi của Việt Nam, Là đại thi hào dân tộc, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi để lại vô cùng đồ sộ. Mỗi tác phẩm của ông là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp, đằng sau mỗi câu văn, lời thơ hào sảng ấy là tầm tư tưởng và nhân cách lớn của Nguyễn Trãi. Tác phẩm “Đại Cáo bình Ngô” của ông được xem là một áng “thiên cổ hùng văn”, là bản tuyên ngôn đấu tranh cho quyền của con người. Ra đời ở thế kỷ XV, “Đại Cáo bình Ngô” là một bản cáo trạng đanh thép nói về tội ác của giặc Minh, đồng thời nêu cao tinh thần nhân đạo cao đẹp của nhân dân Việt Nam.
Trong tác phẩm, tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng cốt lõi, được đề cập ngay trong những câu đầu tiên của bài cáo:
“Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”
Trước hết “nhân nghĩa” thể hiện mối quan hệ của con người, là sự coi trọng lẽ phải, tôn trọng những quy tắc đúng đắn trong xã hội. Tư tưởng nhân nghĩa có thể coi là một triết lý sâu sắc mà Nguyễn Trãi khéo léo đưa vào trang văn của mình, triết lí ấy bao trùm toàn bộ cuộc đời cũng như hoạt động cống hiến nghệ thuật của ông. Mặc dù tư tưởng lấy cảm hứng chủ yếu từ Nho giáo song được Nguyễn Trãi nâng lên một tầm cao mới chắt lọc hạt nhân tích cực trong quan điểm “nhân nghĩa” của Khổng- Mạnh để rồi đưa ra một triết lý mang tính khái quát, trở thành nền tảng vững chắc, cơ sở chuẩn mực trong tư tưởng chính trị.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân. Cái nhân nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống giặc ngoại xâm, diệt tàn bạo vì độc lập của đất nước, hạnh phúc của nhân dân”. Ta nhận thấy “việc nhân nghĩa” trong tác phẩm không còn gì đó trừu tượng, khô khan bó buộc trong khuôn khổ nữa mà ở đây thể hiện bằng hành động cụ thể. Muốn “yên dân”, làm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc, đất nước thái bình thì trên hết phải “trừ bạo” phải ra sức đánh đuổi giặc ngoại xâm để giữ gìn bờ cõi của nước nhà, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân, tiêu diệt bọn tham tàn để tránh ảnh hưởng đến an nguy của một triều đại. Đây cũng có thể xem là ước mơ mà cả đời Nguyễn Trãi theo đuổi. Như vậy tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi đem đến một nội dung mới lấy từ thực tiễn dân tộc: nhân nghĩa phải gắn liền với chống xâm lược.
Trên cơ sở lập trường “nhân nghĩa”, Nguyễn Trãi đi vào khẳng định chân lý về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt trên các phương diện rất cụ thể:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.”
Tác giả đưa ra những yếu tố căn bản để xác định độc lập chủ quyền của dân tộc: có cương vực lãnh thổ riêng, phong tục tập quán riêng, ông cũng tự hào về một đất nước có nền văn hiến lâu đời, có truyền thống lịch sử vẻ vang. Với những yếu tố này, Nguyễn Trãi đã phát biểu một cách hoàn chỉnh về quan niệm quốc gia, dân tộc. Quan điểm của ông toàn diện, sâu sắc hơn so với những học thuyết cùng thời. Như vậy, nếu xem xét “Nam quốc sơn hà”- bài thơ được coi là “Bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất” thì tuyên bố trong “Đại Cáo bình Ngô” rõ ràng có nhiều chuyển biến, thay đổi dễ dàng nhận thấy. Nếu trong “Nam quốc sơn hà” mượn hai yếu tố là “vua” và “sách trời” để khẳng định lãnh thổ và chủ quyền, thế nhưng chỉ mới là chủ quyền của vua, bài thơ mang đậm dấu ấn tư tưởng trung quân ái quốc thời trung đại. Còn với Nguyễn Trãi, quốc gia dân tộc vẫn đề cao vai trò của vua song mở rộng thêm nhiều yếu tố, tuy nhiên yếu tố văn hiến được đưa lên hàng đầu vì đây là điều cơ bản để xác định tư cách độc lập dân tộc. Tác giả luôn đau đáu trong mình niềm tự hào dân tộc sâu sắc vang lên ngay trong câu “Như nước Đại Việt ta từ trước”. Đất nước ta có bề dày lịch sử hào hùng, vẻ vang, không phải ai cũng có quyền xâm lăng. Các triều đại của nước Nam từ bao đời đã sánh ngang hàng với triều đại phương Bắc, không hề thua kém, “mỗi bên xưng đế một phương”. Các triều đại ấy tồn tại một cách kiên cường và vững chãi theo thời gian.
Sau cùng, để làm sáng tỏ sức mạnh của nguyên lí nhân nghĩa và chân lý về chủ quyền độc lập dân tộc, Nguyễn Trãi đưa ra những dẫn chứng lịch sử về chiến công oanh liệt, hào hùng do ông cha ta lập nên:
“Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi.”
Kẻ xâm lược là kẻ vi phạm chủ quyền của dân tộc khác cũng tức là những kẻ làm trái với lẽ phải, đi ngược lại nhân nghĩa. Những kẻ xấu xa chuyên đi cướp nước như vậy không sớm thì muộn cũng phải nhận lấy kết cục không thể thảm hại hơn, một cái kết tự chuốc lấy sự thất bại như Lưu Cung, Toa Đô, Ô Mã, Triệu Tiết, nhục nhã vô cùng! Nước Đại Việt ta bao đời nay vẫn hùng mạnh như thế, tuy chỉ là một quốc gia nhỏ bé nhưng quyết không làm nô lệ dưới chân kẻ khác. Nói về sự thất bại thảm hại của kẻ thù tức là ca ngợi thắng lợi hào hùng của ta, lời văn Nguyễn Trãi viết ra thật hùng hồn thể hiện niềm tự hào dân tộc- một dân tộc sáng ngời chính nghĩa.
Ở cuối đoạn, Nguyễn Trãi khẳng định đanh thép:
“Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi.”
Một lần nữa nhấn mạnh rằng sức mạnh của chính nghĩa quốc gia dân tộc đó là lẽ phải không thể chối cãi được.
Chỉ với một đoạn đầu, Nguyễn Trãi đã nêu ra tiền đề quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Việc sử dụng kết cấu, trình tự lập luận chặt chẽ cho thấy mối quan hệ bền vững giữa dân tộc và dân tộc. Lời văn mạch lạc, lý lẽ, dẫn chứng thực tế mà hùng hùng hồn, sắc bén khẳng định nền độc lập của nước Đại Việt. Hào khí chiến thắng, niềm tự hào dân tộc như căng tràn trong từng câu chữ. Nhịp điệu câu văn biền ngẫu vừa quy phạm, vừa linh hoạt đem lại hiệu quả nghệ thuật to lớn, cấu trúc sóng đôi đối xứng, thủ pháp so sánh được sử dụng nhuần nhuyễn, hợp lý càng tăng thêm sức thuyết phục cao cho bạn đọc. Tất cả đã làm nên sức thành công cho đoạn đầu cũng như toàn bộ bài cáo, xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, là một áng “thiên cổ hùng văn” tràn đầy tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc.
“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Lê Thánh Tông), quả không ngoa khi ca ngợi tư tưởng và con người của Nguyễn Trãi là vĩ đại, một con người vì dân, vì nước. Tư tưởng của ông nêu cao ngọn cờ nhân nghĩa, vượt qua biên giới tưởng chừng không thể vượt qua của thời đại. Đoạn đầu của tác phẩm “Đại Cáo Bình Ngô” không chỉ cho ta hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc cũng như lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân ta mà ở đó độc giả cũng bồi đắp thêm cho mình tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, hãnh diện vì mang trong mình dòng máu của con cháu Đại Việt.