Covid 19 – Phép thử khắc nghiệt (Trần Nguyệt Hà, lớp 10A1, năm học 2020 – 2021)
Lượt xem:
Không ai có thể phủ nhận được những hậu quả tàn khốc mà đại dịch Covid – 19 đã gây ra. Nhưng đồng thời, cũng không sai khi nhận định rằng: Covid -19 là một phép thử đầy khắc nghiệt, cam go dành cho toàn nhân loại. Trong cuộc chiến khốc liệt một mất một còn ấy, lương tri và bản lĩnh của con người được bộc lộ thật rõ nét.
Đầu tiên là những chính sách ứng phó của các nước với đại dịch trên phạm vi quốc tế. Phát huy truyền thống nhân đạo từ bao đời nay của dân tộc, Việt Nam đã có những hành động tương trợ, giúp đỡ bạn bè quốc tế bằng cách gửi tặng một phần lương thực hay các loại thiết bị y tế tân tiến đến các nước. Cụ thể hơn, Việt Nam đã tặng Indonesia hơn 500 dụng cụ xét nghiệm, tặng Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế với tổng trị giá lên đến 500.000 USD. Còn đối với Cuba, giúp đỡ nước bạn là mệnh lệnh từ trái tim và khối óc của nhân dân Việt Nam. Chúng ta đã tặng 5000 tấn gạo để góp phần giúp Cuba vượt qua đại dịch. Đây là những gì tốt nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể thu xếp được trong bối cảnh đất nước cũng đang có nhu cầu rất lớn về lương thực và trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được không ít sự giúp đỡ từ các nước như Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam khoảng 500 tỷ đồng chống dịch, Cuba tặng hàng ngàn lọ thuốc và cử chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ và tìm ra phương pháp chữa bệnh. Qua đó mà tình hữu nghị giữa các nước càng thêm bền chặt, sự đoàn kết giữa các dân tộc trên thế giới càng thêm khăng khít.
Ngoài ra, qua đại dịch Covid – 19, chúng ta cũng thấy rõ được sự khác biệt trong chính sách đối đãi với người dân sinh sống ở nước ngoài của các nước. Trong khi ở một vài nước, người dân có thái độ phản đối, không bằng lòng với việc để những người đồng bào nhập cảnh thì ở Việt Nam, Chính phủ đã tuyên bố “ sắp xếp để đưa kiều bào về nước, đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau”. Lời tuyên bố đó tuy đơn giản, ngắn gọn nhưng lại thấm đẫm tình đoàn kết, đồng lòng và đầy nhân đạo của người Việt. Chính sách của Việt Nam đã góp phần giữ gìn và phát huy tốt truyền thống quý báu là tương thân tương ái từ ngàn xưa của người Việt.
Tổ quốc là nơi để trở về
Tiếp theo hãy xét đến những hành động của toàn thể nhân dân Việt Nam trong đợt dịch bệnh Covid – 19. Dịch bệnh này bùng lên quá đột ngột, vậy nên những hoang mang, lo sợ, thậm chí là hoảng loạn lúc đầu là không thể tránh khỏi. Có một số cá nhân vì muốn thu hút sự chú ý đã bịa đặt và đăng những thông tin sai lệch lên các trang mạng xã hội, gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng. Một số khác cũng vì lo lắng mà vội vã tìm mua, tích trữ lương thực và nhu yếu phẩm, gây ra sự bất ổn về giá cả, thậm chí việc tụ tập, chen lấn còn tạo điều kiện để dịch bệnh bùng phát mạnh hơn. Trong khoảng thời gian đó, nếu nhắc đến những mặt hàng được mọi người săn lùng nhiều nhất thì dẫn đầu chắc chắn phải là khẩu trang và mì tôm. Lợi dụng hoàn cảnh đó, một số cơ sở đã nâng giá thành sản phẩm, đặc biệt là khẩu trang, lên gấp nhiều lần so với bình thường. Một hộp khẩu trang y tế ngày thường chỉ dao động tầm 30.000đ – 40.000đ trong mùa dịch lại có thể lên đến 200.000đ – 500.000đ và thậm chí hơn thế nữa! Đó quả là những hiện tượng đáng buồn khi bệnh dịch hoành hành, thể hiện rõ lối sống và cách suy nghĩ ích kỉ, hạn hẹp của một số người, chỉ biết suy nghĩ cho bản thân mà không biết lo nghĩ cho cả cộng đồng. Những tin tức giả lan tràn trên mạng. Tuy nhiên, những sự việc đó chỉ rộ lên trong một khoảng thời gian đầu và chỉ chiếm phần thiểu số so với những nghĩa cử tốt đẹp, nhân văn đã được thực hiện và lan truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt.
Đầu tiên chắc chắn phải là những y bác sĩ trong màu áo blouse trắng đứng đầu chiến tuyến, tận tụy theo dõi và chữa trị cho bệnh nhân. Làm sao chúng ta có thể quên được hình ảnh các bác sĩ, nhân viên y tế người đầy vết hằn do phải mặc bộ đồ bảo hộ trong một khoảng thời gian quá dài, nét mặt đầy mệt mỏi nhưng vẫn làm việc không ngừng nghỉ để cứu lấy tính mạng người bệnh. Thậm chí một số nữ bác sĩ, nữ nhân viên y tế đã chấp nhận cắt phăng đi mái tóc dài của mình để thuận tiện hơn cho quá trình chống dịch. Rồi còn những nhà khoa học ngày đêm dày công nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo ra các loại kháng sinh, kháng thể khác nhau để chống lại virus Covid – 19; những chiến sĩ rời bỏ căn cứ, di chuyển đến những nơi xa xôi hoặc biên giới để sinh hoạt tạm thời, nhường chỗ cho những người cần bị cách li…
Không thể không nhắc đến các nhà hảo tâm – những người giàu lòng nhân ái đã quyên góp tiền của, phân phát lương thực và khẩu trang đến những người dân có nhu cầu. Đặc biệt nhất là sự ra đời của cây ATM gạo: chiếc máy có khả năng giải quyết một cách hiệu quả vấn đề thiếu thốn lương thực trong mùa dịch. Sau lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, cây ATM gạo đã nhanh chóng lan tới những tỉnh thành khác trên cả nước, kịp thời ứng cứu những người nhân đói kém, khó khăn. Và còn những em học sinh nhỏ tuổi mà suy nghĩ lại không hề non nớt: các em đập heo đất, dùng khoản tiền tiết kiệm của mình để góp vào quỹ từ thiện hoặc nhờ người lớn mua khẩu trang, lương thực rồi phân phát miễn phí cho những ai cần. Rồi có những cụ già tuổi cao sức yếu đến quyên góp những vật phẩm đơn giản, bình dị như bao gạo hay bó rau của nhà. Tuy những sản phẩm đó không nhiều về giá trị vật chất nhưng lại chứa đựng vô vàn tình cảm về mặt tinh thần. Tất cả những việc đó đều là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc, cho tấm lòng nhân hậu và tinh thần tương thân tương ái, đúng như câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”.
Nói chung, nói đại dịch Covid – 19 giống như một phép thử khắc nghiệt là nhận định đúng. Qua phép thử này mà chúng ta mới có thể nhìn thấu được nhiều khía cạnh của một cá nhân, một tập thể như: lương tri, trách nhiệm, lòng nhân ái, sự bản lĩnh, … trong cuộc chiến dai dẳng đầy gian khổ. Những phẩm chất đó không chỉ bộc lộ rõ mà còn bị thử thách bởi hoàn cảnh đặc biệt, như câu “ lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thông qua đó, phần xấu trong con người phải bị diệt trừ, còn những phẩm chất quý báu sẽ được rèn giũa, tôi luyện để mỗi cá nhân càng trở nên bản lĩnh, khôn ngoan hơn trước những sóng gió, thử thách của cuộc đời. Nhà báo Tạ Bích Loan đã có những nhận định đúng đắn về phép thử với cái giá quá đắt này:
“Corona đang phát huy một khả năng, đó là phép thử.
Phép thử của sự ích kỉ, ai ích kỉ lộ rõ ngay
Phép thử của lối sống, ai sống thế nào sẽ lộ rõ luôn.
Phép thử của sự tò mò, thêu dệt, kì thị, đổ lỗi… lộ ra hết trong những ngày này.
Nhưng đó cũng là phép thử của lòng tốt, của sáng kiến, của trách nhiệm, của tinh thần vì cộng đồng.
Phép thử của sự kiên cường, lạc quan và bền bỉ, của lòng tin và tinh thần đồng đội. Đó là thứ thuốc hiệu quả kháng Corona hay bất cứ dịch bệnh nào trên trái đất này.”