Đỗ Liên Quang – cựu HS nổi tiếng của trường THPT Krông Ana trong góc nhìn báo chí
Lượt xem:
ĐỖ LIÊN QUANG – GƯƠNG SÁNG “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC”
(baodaklak.vn)
Cập nhật lúc 09:11, Thứ Hai, 09/05/2011 (GMT+7)
Đỗ Liên Quang, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Krông Ana (huyện Krông Ana) không chỉ nổi bật về kết quả học tập mà còn được nhiều người biết đến bởi bề dày thành tích mà em đạt được trong việc tham gia các hoạt động đoàn thể.
Là Bí thư chi Đoàn của lớp, một học sinh năng nổ trong các hoạt động xã hội, Quang đã từng tham gia và đoạt giải cao trong nhiều cuộc thi, như: giải Nhì Cuộc thi tìm hiểu về phòng chống ma túy cấp tỉnh năm 2009, giải Ba cuộc thi tìm hiểu về Luật Bảo vệ môi trường cấp huyện… Quang còn vinh dự là một trong 5 gương mặt thanh niên tiên tiến được Huyện ủy Krông Ana biểu dương, khen thưởng trong Lễ sơ kết 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và được Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc sau 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, mẹ là giáo viên trường THCS Lương Thế Vinh, từ nhỏ Quang đã sớm có ý thức tự giác học tập và rèn luyện. Để có được kết quả học tập tốt, Quang luôn biết sắp xếp thời gian học tập, hoạt động một cách khoa học, hợp lý. Ở trường, em luôn là học sinh đi học đúng giờ, chú ý lắng nghe bài giảng của thầy cô giáo, chăm chỉ lên thư viện đọc sách và tích cực tham gia xây dựng bài. Về nhà, em tranh thủ thời gian làm bài tập, tích cực đọc thêm các tài liệu tham khảo. Nhờ đó mà 11 năm liền Quang đều là học sinh giỏi của trường, em cũng đã từng tham gia, đoạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học vừa qua Quang đã vinh dự được Sở GD-ĐT công nhận là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học, đoạt giải Nhất trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của trường. Anh Thái Văn Tài, Bí thư Huyện Đoàn Krông Ana nhận xét: không chỉ một học sinh tiêu biểu có thành tích học tập, rèn luyện tốt, Quang còn là một Bí thư chi Đoàn nhiệt tình, năng động trong các hoạt động, phong trào do lớp, trường, và Huyện Đoàn phát động, tổ chức rất hiếm khi vắng mặt Quang. Là Bí thư chi Đoàn, Quang luôn thể hiện tốt vai trò của một thủ lĩnh thanh niên gương mẫu, đi đầu và không ngừng vận động, tuyên truyền đoàn viên trong chi đoàn tích cực tham gia các hoạt động; tích cực chủ động, sáng tạo trong các hoạt động Đoàn để thu hút đoàn viên tham gia sinh hoạt. Quang đã cùng với BCH Đoàn Trường THPT Krông Ana tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, thực hiện tốt chương trình rèn luyện đoàn viên, phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa – Uống nước nhớ nguồn”, vận động đoàn viên thanh niên trong trường quyên góp tiền ủng hộ các bạn học sinh nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt; giúp đỡ nhau trong học tập… Đỗ Liên Quang còn là một thành viên tích cực của Đội văn nghệ, thường xuyên tham gia vào các chương trình văn nghệ do nhà trường và Huyện Đoàn tổ chức. Với chất giọng ấm áp, truyền cảm, Quang còn được biết đến là một MC nổi tiếng của trường…
Không chỉ “học tập”, mà còn “làm theo” lời Bác một cách thiết thực, Quang xứng đáng là tấm gương sáng để đoàn viên thanh niên học tập, noi theo, là bông hoa đẹp trong vườn hoa “Học tập và làm theo lời Bác” của huyện Krông Ana. Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Quang cho biết: “Thời gian tới, em sẽ tiếp tục cố gắng để đạt được nhiều kết quả cao hơn trong học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành một công dân có ích cho xã hội”.
Nguyễn Thị Linh
…………………….
CHUYỆN CHÀNG TRAI ĐẤT ĐỎ TÂY NGUYÊN DÀNH HỌC BỔNG TOÀN PHẦN HÀ LAN VÀ MỸ
(dantri.com)
01:00 ngày 15/07/2016
Ngày Đỗ Liên Quang khoác áo cử nhân ĐH Duke danh tiếng của Mỹ, người cha nghèo của cậu lần đầu tiên được đi máy bay, lần đầu tiên sang Mỹ…
Đôi nét về Đỗ Liên Quang
Sinh năm 1993 tại Đắk Lắk
– Học hết lớp 11 tại trường THPT Krông Ana, Đăk Lăk
– Tốt nghiệp trường United World College Maastricht, Hà Lan
– Tốt nghiệp ĐH Duke, Mỹ
Thành tích và hoạt động nổi bật:
– Học bổng toàn phần Các Trường Liên Kết Thế Giới (UWC) Hà Lan và Đại học Duke, Mỹ
– Lãnh đạo hiệp hội sinh viên quốc tế tại Duke
– Lãnh đạo hội đồng tư vấn sinh viên ĐH Duke Kunshan
– Sáng lập hội Sinh viên quốc tế tại ĐH Duke Kunshan
– Lãnh đạo và cố vấn dự án Southeast Asian Service Leadership Network – SEALNet Việt Nam 2013, 2014
– Đồng sáng lập và tổ chức Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên (sáng lập năm 2011)
– Tham gia các hội nghị về lãnh đạo ở các trường đại học Macalester, Notre Dame, Duke
– Tham gia chương trình phục vụ cộng đồng DukeEngage 2013 và tình nguyện với tổ chức Social Entrepreneur Corps ở Guatemala
– Tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên đại học Duke.
Hành trình vươn ra thế giới
Đó dường như là chuyến hành trình thử thách nhất cuộc đời mình của người cha ấy. Trong suốt 50 năm qua, cuộc sống của ông chỉ vỏn vẹn từ nhà lên rẫy và từ rẫy về nhà bất chấp gió sương. Ông biết về thế giới bên ngoài duy nhất chỉ qua chiếc ti vi bé nhỏ.
“Khi bố nhận được tin ông có thể đến Mỹ để dự lễ tốt nghiệp của tôi, ông đã rất vui mừng nhưng cũng lại lo lắng. Cuối cùng thì bố tôi cũng bay, và chuyến bay đó thực sự đã đáng sợ đối với ông. Ông suýt nữa bị lạc và bị lừa tiền bởi một tài xế taxi tại sân bay JFK ở New York”, Quang kể.
Từ một trường cấp 3 tại Đắk Lắk, Đỗ Liên Quang bước ra thế giới bằng học bổng toàn phần tại Hà Lan và sau đó là Mỹ. Sinh ra ở một tỉnh nhỏ, khi phương tiện tiếp cận thông tin còn khá nghèo nàn, Quang rất ham thích đọc báo vì đó là cách để anh chàng khám phá một thế giới rộng hơn. Tuy nhiên, chính Quang cũng thừa nhận rằng, bản thân chưa bao giờ “mơ” tới việc đi du học vì khi nào cậu cũng nghĩ, du học chỉ dành cho các bạn rất giỏi và nhà giàu.
Lên cấp 3, ngoài việc học trên trường, Quang luôn tìm cách tham gia vào các hoạt động ngoại khóa để có cơ hội tiếp xúc với các bạn học sinh đến từ các vùng, huyện khác để học hỏi những điều hay từ họ và luyện tập kỹ năng lãnh đạo của bản thân.
Vô tình một lần đọc được thông tin về học bổng các trường liên kết thế giới (UWC) dành cho học sinh lớp 11, Quang quyết định nộp hồ sơ ngay lập tức dù tiếng Anh được học ở trường không đủ để cậu diễn tả được ý mình.
Thay vì bỏ cuộc, Quang quyết định tự viết với sự hỗ trợ của hai công cụ là google dịch cùng một cuốn từ điển. Việc dịch như vậy khiến văn phong “rất gượng” nhưng dù sao cậu cũng hoàn thành bộ hồ sơ.
Kết quả, Đỗ Liên Quang được trường UWC Hà Lan gọi phỏng vấn tại Hà Nội. “Vài ngày sau, mình may mắn nhận được học bổng để đi học 2 năm ở Hà Lan. Tin học bổng được gọi về nhà mình thì lúc đó bố mẹ mình mới biết chuyện gì xảy ra. Còn mình khi bố mẹ nhận được tin vui thì vẫn đang say trên chuyến xe 2 ngày từ Hà Nội về nhà”, Quang kể.
Tiếp tục cố gắng sau 2 năm học ở UWC Hà Lan, anh chàng nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Mỹ và được nhận vào 5 trong 6 trường mình nộp hồ sơ. Quang quyết định chọn học Đại học Duke – ngôi trường danh tiếng cấp học bổng 70.000 USD/ năm cho chàng trai Việt.
Quang quyết định học ngành chính là não bộ học (Neuroscience) vì tò mò, muốn tìm hiểu thêm cách não bộ hoạt động và tạo ra tâm lý, hành động con người.
“Các lớp mình chọn học tập trung nhiều hơn về ứng dụng của não bộ học vào các vấn đề khác của xã hội như kinh tế, luật, marketing… Trong một lớp bọn mình học về thuốc phiện và những ảnh hưởng của nó tới xã hội, giáo sư của bọn mình đã mời những người đã cai nghiện thành công tới để chia sẻ về trải nghiệm của họ.
Chỉ tới khi gặp người thật việc thật mình mới nhận ra là nghiện thuốc là một vấn đề với nguyên nhân và cách chữa trị rất phức tạp mà những người làm chính sách không nên đánh đồng tất cả những người nghiện thuốc là một”, Quang hào hứng kể.
Xóa bỏ tự ti, khẳng định giá trị bản thân
Tại Duke, Quang lãnh đạo 35 bạn đến từ 22 nước khác nhau để tổ chức các hoạt động và sự kiện liên quan tới văn hoá, học tập, nghề nghiệp, chính sách nhằm đẩy mạnh đa dạng văn hoá ở Duke, kết nối các nhóm học sinh đến từ các nền văn hoá khác nhau, và đại diện cho tiếng nói của học sinh quốc tế ở Duke. Đồng thời, cậu giúp đỡ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh từ cách sửa CV, thư giới thiệu, chuẩn bị phỏng vấn… và tình nguyện dạy kèm học sinh tiểu học ở Mỹ.
Quang vừa tốt nghiệp ĐH Duke vào tháng 5 vừa qua, người cha “một nắng hai sương” của Quang đã bay sang Mỹ để chứng kiến ngày nhận bằng của con trai. Đó là một chuyến đi đầy thử thách với ông – lần đầu tiên đi máy bay, lần đầu tiên ra nước ngoài một mình. Sau lễ tốt nghiệp, Quang dẫn bố đi thăm thủ đô Washington và thành phố New York.
“Bố mình đã được làm rất nhiều việc ông chưa làm bao giờ, ví dụ như chơi quần vợt, ăn các món ăn từ các nước khác nhau, thăm Nhà Trắng. Có một kỉ niệm nhỏ là bố mình nghiện thuốc lá nặng và dù mẹ mình đã khuyên rất nhiều lần, bố vẫn chưa bỏ được. Trong 2 tuần ở Mỹ, mình nói dối bố mình rằng ở Mỹ cấm hút thuốc lá. Bố mình tin và đã không hút thuốc trong suốt 2 tuần, mình đang tiếp tục động viên để bố mình bỏ hẳn thuốc lá”, Quang tâm sự.
Sắp tới, Quang sẽ tham gia chương trình đào tạo quản lý của công ty Nike ở Mỹ. Sau khi đi làm được 2-3 năm, Quang dự định học tiếp về kinh doanh, luật hoặc quản lý công.
“Ước mơ lớn của mình là sớm quay về Việt Nam, sử dụng những gì mình đã học được để góp phần xây dựng những công ty, tổ chức mà có thể thay đổi được cuộc sống của người dân Việt Nam, mà trước tiên là nơi mình sống”, Quang chia sẻ.
Từ câu chuyện chân thực của chính mình, Quang muốn nhắn nhủ tới nhiều bạn trẻ thông điệp “mơ ước và dám mạo hiểm”.
Quang nói: “Sự tự ti đến từ rào cản về ngôn ngữ và khoảng cách giàu nghèo này là một khó khăn lớn vì nó có thể ngăn cản bạn tiến tới việc hoà nhập. Bây giờ khi đã tốt nghiệp đại học, mình không cảm thấy e dè trước những bạn ăn nói sành điệu, gia đình khá giả nữa, mà mình cảm thấy nể những bạn dám ước mơ lớn và làm những việc mạo hiểm.
Trong suốt quá trình đó, Quang đã luôn nhắc mình làm 2 việc: Một là, học cách chia sẻ với bạn bè xung quanh, lần đầu là một người, lần sau là hai người, cứ thế tăng lên. Hai là, học cách để dạy bản thân mình rằng, giá trị của mỗi chúng ta phụ thuộc vào kiến thức, tầm nhìn, ước mơ và những việc chúng ta làm thay vì phụ thuộc vào những gì chúng ta có”…
Lệ Thu
………….
CẬU THIẾU NIÊN TỪ BUÔN LÀNG TÂY NGUYÊN VÀO TẬP ĐOÀN AMAZONE
(vnepress.net)
Thứ tư, 12/6/2019 | 12:22 (GMT+7)
Đỗ Liên Quang đang làm cho tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Khó tin 9 năm trước cậu mới nuôi ước mơ du học qua một bài báo.
Trong tháng này Đỗ Liên Quang, 26 tuổi sẽ chuyển từ bộ phận phân tích thị trường sang bộ phận dịch vụ điện toán đám mây của tập đoàn thương mại điện tử Amazon tại trụ sở Seattle (Mỹ). Với Quang, chuyển việc là một cách để học hỏi kinh nghiệm. Cậu không ngừng thử thách mình qua các công việc mới.
Thử thách mình cũng là cách đã dẫn cậu học trò ở Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) hơn 9 năm trước tới trung tâm công nghệ thế giới ngày nay.
Quang sinh ra trong một gia đình di cư đến vùng đất đỏ. Bố cả ngày quanh quẩn trên rẫy cà phê, mẹ là một giáo viên cấp 2. Ngay từ nhỏ Quang đã được bố mẹ trao quyền tự quyết, tự do vì thể hiện học lực giỏi suốt những năm đi học.
Ước mơ du học vô tình đến với Quang năm cậu học lớp 11, khi đọc báo biết đến học bổng cấp 3 của các trường Thế giới Liên kết (UWC, bao gồm 17 trường học trải khắp 4 châu lục, học sinh đến từ nhiều nước). Cậu âm thầm làm hồ sơ, xin thư giới thiệu.
Khó khăn nhất là viết bài luận tiếng Anh cả nghìn từ, mà trước giờ viết vài câu cậu còn trầy trật. Thầy giáo ngoại ngữ đã từ chối giúp đỡ vì nghĩ chẳng có cơ hội nào cho một học sinh tỉnh lẻ. Vậy là Quang quyết định viết chân thật về mình, viết lại xóa nhiều lần cho đến khi xong, với hai “trợ thủ” google dịch và từ điển.
Cú liều này cho Quang cơ hội đi tiếp vào vòng phỏng vấn. Cậu giữ bí mật nên chỉ thông báo ngắn gọn cho cha mẹ: “Con cần ra Hà Nội vài ngày”. Đã quen với tính cách tự lập của cậu cả từ nhỏ, ông Đỗ Liên Gang (53 tuổi) và bà Phan Thị Triệc (52 tuổi) không hỏi thêm, họ chỉ đưa con chiếc điện thoại “cục gạch” để liên lạc.
Lần đầu tiên rời khỏi buôn làng ra thủ đô, những toà nhà cao tầng và dòng người tấp nập làm Quang phấn khích. Song đến ngày phỏng vấn, ở bên các bạn đến từ những trường chuyên nổi tiếng toàn quốc, Quang tràn đầy lo lắng. Đối diện với 4 vị giám khảo, hai lần cậu không hiểu được câu hỏi tiếng Anh, đành phải hỏi lại bằng tiếng Việt.
Song, khi giám khảo người Tây duy nhất trong phòng lên tiếng: “Tại sao em lại hứng thú với học bổng này?”, Quang không còn sợ nữa, bởi đây là câu hỏi cậu đã suy nghĩ, đợi chờ.
Cậu kể về những ngày tháng tươi đẹp bên gia đình, bè bạn. Về bản thân luôn nỗ lực học tập, về hàng chục hoạt động ngoại khoá đã tham gia. Cậu kể về những khó khăn khi làm bộ hồ sơ gửi đi và ước mơ trong mình lớn thế nào… Bao câu từ sắp xếp từ trước sao cho ngắn gọn, cho hay, đến giờ bay biến, chỉ còn lại những câu nói thốt ra từ trái tim.
Ngày Quang đậu học bổng toàn phần (gia đình không phải trợ cấp), bố mẹ cậu vui mừng dù mãi sau mới hiểu rõ học bổng ấy là gì.
“Tin Quang đỗ học bổng du học cấp 3 là một điều vô cùng lạ lẫm tại thời điểm đó, bởi khái niệm du học xa xôi với chỗ chúng tôi, huống gì còn học ở nước ngoài từ trung học phổ thông. Quang là học sinh đầu tiên trong tỉnh làm được điều đó”, cô Bùi Thị Ngọc Tú, cô giáo chủ nhiệm của Quang tại Trường THPT huyện Krông Ana nói.
Mùa thu năm 2010, chàng trai 17 tuổi lên đường sang Hà Lan. Những giây phút háo hức ban đầu sớm qua khi Quang nhận ra khoảng cách với các bạn. Vốn tiếng Anh ít ỏi của cậu hoàn toàn không thể áp dụng được ở đây. Ba tháng đầu không ai hiểu cậu nói gì, còn Quang phải hỏi đi hỏi lại mới hiểu. Trong giờ học cậu phải mang từ điển để tra.
“Tôi luôn cố tham gia vào các buổi tụ tập để có thể hoà nhập với các bạn, nhưng rồi nhận ra sẽ chẳng bao giờ hiểu những tình huống mà mọi người nói, vì mình chưa bao giờ được trải qua. Đó là hệ quả khó tránh khi mình thuộc về một tầng lớp khác và tiếng Anh kém. Có thời điểm tôi đã rất tự ti”, chàng trai bộc bạch.
Bù lại Quang cũng có những thế mạnh. Trước mỗi giờ học, cậu luôn tra hết tất cả các từ có trong sách để theo kịp bài giảng. Toán và Hóa là hai môn giúp Quang có điểm cao nhất, nhì lớp. Môn tiếng Anh cậu lại được giáo viên quý vì chăm chỉ. Hai năm học cũng trôi qua với những điểm số ngày một tốt hơn.
Hai năm học ở Hà Lan qua nhanh và đến ngày Quang phải nộp hồ sơ vào đại học. Vẫn còn tự ti nên Quang không dám gửi nguyện vọng đến các trường hàng đầu ở Mỹ, chỉ gửi các trường nhỏ. Tình cờ một người bạn giúp cậu “khai sáng”: “Cậu có nhớ bộ phim Bollywood mà mình xem không? Three Idiots. Trong bộ phim đó Raju đã rất sợ hãi và không dám theo đuổi ước mơ của mình, nhưng rồi cậu ấy nhận ra cuộc sống sẽ không thể thay đổi nếu mình không phá vỡ sự sợ hãi vô hình”.
Ôm bạn cảm ơn, Quang lao về phòng, cuối cùng tìm ra chỉ còn 2 trường đại học top đầu của Mỹ là còn hạn nộp hồ sơ và chỉ còn một ngày nữa là hết hạn. Chàng trai quyết định gửi “tấm vé” cuối cùng vào Đại học Duke, bang North Carolina.
Hóa ra Quang đã đánh giá thấp bản thân. Kết quả cậu là một trong gần chục học sinh của toàn khóa (50 người) giành được học bổng từ những trường danh giá. Chưa kể cậu có thể lựa chọn 4 trường nhỏ hơn.
“Điều lớn nhất mình học được ở trường liên kết thế giới là xây dựng tình bạn với bạn bè từ các nước, sự quan trọng của việc cởi mở suy nghĩ, sẵn sàng học hỏi và nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh. Mỗi người khi kể một câu chuyện thì chỉ kể từ khía cạnh của họ, để có cái nhìn toàn diện, chúng ta phải chủ động tìm kiếm những thông tin không có sẵn”, cậu nói.
Để thử thách bản thân tại môi trường đại học, Đỗ Liên Quang đặt mục tiêu trải nghiệm nhiều hơn, bằng việc chọn ngành học Khoa học não bộ, được nhiều người đánh giá là khó và lạ lẫm, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, đi nhiều nước. Song song, cậu học thêm ngành kinh tế.
Thời gian đầu ở Đại học Duke cũng là giai đoạn khó khăn với chàng du học sinh Việt. Có lần cậu bị các bạn không lắng nghe và phủ nhận ý kiến vì không nói tiếng Anh chuẩn. Nhiều ngày cậu không dám phát biểu nữa. Cột mốc phá vỡ sự im lặng của cậu là tại tiết Triết học năm nhất. Hôm đó, giáo sư giới thiệu một khái niệm mới, trong khi Quang vẫn chưa hiểu, các bạn khác đã giơ tay nói. Mất vài phút tự đấu tranh, Quang quyết định “thà để mọi người nghĩ mình ngu 5 phút còn hơn là ngu thật”, cậu xin thầy giải thích lại.
Khi đã hiểu rõ, Quang lăn xả vào hoạt động thuyết trình của nhóm. Sau buổi học thầy giáo gọi cậu ở lại khen “đã nói được hết những điều thầy muốn giảng”. Thầy cũng hỏi sao không thấy phát biểu và cho Quang một lời khuyên đã theo suốt hành trình sau này của cậu: “Một người khôn ngoan không vì họ có nhiều thứ để nói, mà vì trong số những thứ ít họ có để nói thì đều có giá trị khiến người khác muốn lắng nghe”.
Hè năm 2016, Quang tốt nghiệp đại học. Kết thúc hành trình trên ghế nhà trường, Quang nhận ra điều tâm đắc nhất là kết giao được những người bạn cùng chí hướng.
“Rất nhiều học sinh Việt sang Mỹ du học và bị vỡ mộng, bị cô đơn và cô lập. Mình nghĩ là nên cố gắng tránh khỏi điều này ngay từ ban đầu. Dù có khó khăn thế nào đi nữa nhưng nếu có bạn bè để chia sẻ thì sẽ có động lực để vượt qua và có được một khoảng thời gian đáng nhớ ở đại học”, Quang nói. Anh đã cùng những người bạn thân tham gia nhiều hoạt động, đi nhiều nước và hai lần về Việt Nam.
Với những thành tích nổi bật tại trường, Đỗ Liên Quang được nhận vào chương trình Management Training của tập đoàn Nike sau khi tốt nghiệp, sau đó thuận lợi vào tập đoàn Amazon. Chàng trai trẻ mong muốn sẽ làm việc hoặc kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai.
Song trước khi đến ngày đó, Quang vẫn đang cống hiến cho thế hệ trẻ quê nhà. Mỗi năm anh đều tham gia tuyển sinh cho học bổng UWC – học bổng khởi đầu cho con đường đi ra biển lớn của mình, cố vấn cho các câu lạc bộ thanh niên trong nước. Quang cũng vừa xuất bản tự truyện truyền động lực cho thế hệ trẻ.
Đỗ Liên Quang của ngày hôm nay không còn là cậu học sinh rụt rè năm nào nữa. “Nhiều người quen nói tôi đã đạt được ước mơ, nhưng tôi nghĩ ước mơ của mình giờ mới chính thức bắt đầu”, nụ cười rạng ngời, Quang nói.
Phan Dương