Nỗi buồn Tràng giang (HS Lê Thị Hồng Nhung, lớp 11A1, năm học 2019-2020)
Lượt xem:
Hoài Thanh – tác giả Thi nhân Việt Nam đã từng viết: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Thật vậy, thơ mới chính là thơ của nỗi buồn, đối với Huy Cận, hồn thơ của ông chính là nỗi cô đơn mang tính thời đại, tạo thành nỗi sầu vạn kỷ. Huy Cận tạo ra phong cách riêng của mình trong việc kết hợp giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, và chính Tràng Giang là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật ấy.
Tràng Giang – dòng sông từ xa xưa đã chảy qua bao nền văn học, bao áng cổ thi. Ngày hôm nay, trước ngòi bút tài hoa của Huy Cận, dòng sông ấy một lần nữa lại chảy vào lòng người đọc với những vần thơ vừa thiết tha lại thấm đượm tình người:
“Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,”
Tác giả đã mở đầu bài thơ với một nỗi buồn giữa một không gian mênh mông. Sóng nước Tràng Giang tạo nên sóng “buồn điệp điệp”, đó chính là nỗi buồn của chính thi nhân đã lan tỏa vào sông nước và dòng sông đã biến thành dòng tâm trạng. Trên bức tranh sông nước ấy lại tiếp tục hiện lên hình ảnh quen thuộc của “con thuyền”. Con thuyền ở đây lênh đênh giữa dòng nước rộng lớn mênh mang chỉ còn sự cô đơn, lẻ loi. Con thuyền ấy lại đang ở trạng thái “xuôi mái”, nghĩa là còn có thêm tính chất thụ động, phó mặc cho dòng nước đẩy đưa…
“Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Nhà thơ tiếp tục những nét vẽ về thuyền và nước nhưng lại đặt trong sự chia lìa. Thuyền và nước lúc này chuyển động ngược chiều nhau, tạo nên một ấn tượng về chính sự chia lìa, xa cách. Hình ảnh cành củi khô nhỏ bé được tác giả đặt vào một thế tương phản mạnh mẽ, lạc giữa mấy dòng nước mênh mang vô tận đã càng nhấn mạnh sự vô định, lạc lõng, bơ vơ hết sức tội nghiệp. Dường như tác giả đang mượn hình ảnh của cành củi nhỏ bé kia để nói lên chính nỗi buồn của mình, nói lên nỗi buồn của cả một thế hệ nhà Thơ mới.
Nếu khổ thơ đầu tiên là những sự vật trên sóng nước tràng giang, thì khổ thơ thứ hai là một không gian ba chiều trên con sông dài, sâu, rộng ấy cùng với nỗi buồn thấm thía. Bất chợt ta thấy lòng mình lắng lại khi bắt gặp một không gian mang đậm sắc màu cổ điển:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống trời lên sâu chót vót;
Sông dài trời rộng bến cô liêu.”
Trong cái buổi chiều vàng mang âm hưởng của không khí xa xưa ấy, ta thấy có những sự kết hợp lạ: Hình ảnh nắng xuống – trời lên với sông dài – trời rộng cùng với cụm từ “sâu chót vót” dường như đã tạo nên một lực đẩy vô hình đẩy không gian ra nhiều chiều, nhiều hướng: dài – rộng – cao – sâu. Tất cả đều tập trung tô đậm một cái “tôi” cô đơn, bé nhỏ, bơ vơ của nhà thơ trước sự vô cùng, vô tận của đất trời, vũ trụ.
Cảnh vật lại tiếp tục được tô đậm bằng hàng loạt những chi tiết gợi buồn khác:
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Vẫn là mạch cảm xúc được khơi gợi ở hai khổ thơ đầu, đến đây, nỗi buồn càng được khắc sâu qua hình ảnh những cánh bèo thể hiện sự trôi dạt lênh đênh , vô định của kiếp người. Bên cạnh những hình ảnh thuyền, nước, cành củi khô lưu lạc, bập bềnh trên sóng nước ở khổ thơ đầu, đến khổ thơ này, tác giả lại một lần nữa gợi lên nỗi buồn mênh mông. Toàn cảnh sông, nước, trời rộng tuyệt nhiên không có bóng dáng con người. ” Không một chuyến đò” và cũng không có lấy một cây cầu để có thể tạo nên sự gần gũi giữa con người với con người; mà lúc này, chỉ có hình ảnh của thiên nhiên vừa hoang vu lại xa vắng “bờ xanh, bãi vàng”.
Mặc dù mượn cách diễn đạt của thơ Đường, nhưng tác giả vẫn không quên thể hiện cái riêng biệt trong ý thơ của mình, một phong cách, một tâm trạng của Thơ mới mà chỉ có Huy Cận mới thể hiện được:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.”
Ở đây, cảnh sắc của thiên nhiên tuy buồn nhưng vẫn không kém phần tráng lệ. Mùa thu, những đám mây trắng đùn lên trùng điệp ở phía chân trời. Ánh dương phản chiếu làm những áng mây đó lấp lánh như những ngọn núi bạc. Ý thơ ấy gợi cho ta nhớ đến hai câu thơ của Đỗ Phủ:
“Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.”
Mượn ý trong thơ của người xưa, hình ảnh “mây cao đùn núi bạc” để lại một ấn tượng trong lòng người đọc về sự hùng vĩ của thiên nhiên. Trước cảnh sông nước, mây trời bao la ấy, bỗng hiện lên một cánh chim bé nhỏ, nó chỉ cần nghiêng cánh là cả bóng chiều sa xuống. Hình ảnh cánh chim đơn lẻ trong buổi chiều tà đã gợi lên một nỗi buồn xa vắng. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là hiệu quả của nghệ thuật đối lập đã được tác giả thể hiện hết sức tài tình. Cánh chim nhỏ bé trơ trọi giữa vũ trụ bao la, hùng vĩ. Phải chăng, điều này đã làm cho cảnh thiên nhiên rộng hơn thoáng hơn, hùng vĩ hơn và đặc biệt cũng buồn hơn?
Để khép lại bài thơ của mình, tác giả để lại hai dòng thơ cuối, để lại lời thì thầm kín đáo về tâm trạng của mình:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Nếu như nhà thơ xưa nhìn thấy khói sóng nhớ quê hương, có sự can thiệp của ngoại cảnh đến tâm trạng thì đối với Huy Cận mà nói, nỗi nhớ của tác giả đối với quê hương của mình đã thường trực sẵn trong tim, không cần tác động của ngoại cảnh. Câu thơ dường như đã nói lên hết được nỗi nhớ quê hương da diết, mãnh liệt, đó chính là nỗi buồn nhớ xuất phát từ lòng yêu nước sâu kín của nhà thơ.
Như vậy, đi suốt bài thơ là một nỗi buồn triền miên, vô tận. Qua những vần thơ vừa cổ điển vừa hiện đại, Huy Cận đã thể hiện nỗi sầu nhân thế của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, nỗi sầu thân thế của một người con xa xứ và cả nỗi sầu thời thế của lớp thanh niên bơ vơ mất phương hướng trước Cách mạng. Tràng giang thiết tha khắc khoải niềm khao khát giao cảm với con người, niềm yêu thầm kín với quê hương đất nước. Có thể nói, cái buồn của Huy Cận ở bài thơ là cái buồn trong sáng, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn của người đọc qua từng thế hệ.