“Tôi không đi qua tôi, để lại gì?” (HS Trần Nguyễn Dạ Ni, lớp 10A1, năm học 2019 – 2020)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cuộc sống là một khung vải rộng và bạn nên vẽ vào đó tất cả những màu sắc trong khái niệm của mình” (Danny Kaye). Đã bao giờ bạn khao khát được điểm tô cuộc đời bằng những gam màu tươi sáng của bản thân? Đã bao giờ bạn tự vấn rằng để làm được điều đó cần đánh đổi những gì? Có lẽ chỉ đơn giản rằng, không ở đâu xa, chìa khóa của thành công nằm ở chính bản thân bạn, một nơi khi ta trao cơ hội và đặt niềm tin, bất cứ điều gì cũng có thể chinh phục. Văn Cao đã từng viết:

“Con thuyền đi qua

để lại sóng

đoàn tàu đi qua

để lại tiếng

đoàn người đi qua

để lại bóng

tôi không đi qua tôi

để lại gì ?”

Mỗi “con thuyền”, “đoàn tàu”, “đoàn người” đi qua đều thể hiện được bản chất, đặc điểm riêng vốn có của riêng mình. Lựa chọn thủ pháp điệp cấu trúc “đi qua… để lại…”, nhà thơ khéo dẫn dắt độc giả tìm mình trong những hình ảnh rất đỗi dung dị. Những sự vật ấy đều có chất riêng tiêu biểu và đại diện: “sóng”, “bóng”, “tiếng”. Con người ta cũng thế, chất riêng hay nói cách khác rằng cái “tôi” của con người có lẽ lại càng đặc biệt và hữu hình hơn.  “Tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” – một câu hỏi xoáy sâu vào tư tưởng, tiềm thức, chất vấn bản ngã của mỗi người trong chúng ta.Vậy ta sẽ là ai giữa cuộc đời này khi không là chính ta, sẽ là ai nếu ta không hiểu rõ được ngay cả chính bản thân mình. “Tôi đi qua tôi” là hành trình con người đi qua chính mình để trưởng thành, để ghi dấu ấn trong cuộc đời, để tự mình hiểu rõ cũng như khẳng định bản thân. Qua những vần thơ ấy, khơi gợi thêm trong ta khát khao sống là chính mình, thôi thúc ta thấu hiểu ý nghĩa thực sự của hành trình Tôi đi qua tôi đối với mỗi người, đóng góp cho đời và thêm trân quý những giá trị nhân sinh cốt lõi của bản thân đúc kết được.        

Ba câu thơ đầu cùng một cách diễn đạt, đấy là sự quan sát bằng thị giác, lắng nghe bởi thính giác nhưng đến câu cuối “Tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” lại mang sắc thái hoàn toàn khác hẳn. Chữ “tôi” cuối câu là “nhãn tự”, “thần tự” của cả câu và cả bài thơ. Đối với chúng ta nói chung hay đối với người nghệ sĩ nói riêng không thể chỉ “đi qua” cuộc đời như con thuyền, con tàu, đoàn người mà phải đi qua chính mình nghĩa là lắng nghe, cảm nhận, sàng lọc, đánh giá, rung cảm, chiêm nghiệm, đặt ra với chính lòng mình mới có thể để lại cho đời một chút ít đóng góp tài hoa sáng tạo.

Vấn đề “cái tôi” rộng mênh mông, cao vô hạn và sâu vô cùng. Làm sao và biết bao giờ mới khám phá ra hết, nói gì đến việc làm chủ và vượt qua nó? Nhưng không vượt qua nó thì cuộc đời sẽ ra sao? Con người sẽ càng cần phải quan sát, lắng nghe chính mình từ những cay đắng lẫn ngọt ngào, thành công hay thất bại. Từ đó luôn nỗ lực vượt qua chính mình để có những trải nghiệm mới.

Cuộc sống vốn rất phức tạp, để có thể tồn tại và phát triển được, trước hết con người phải hiểu được chính mình. Đó là cơ sở để tồn tại với thế giới và ứng phó với những biến động của cuộc đời. Trước khi hiểu rõ cuộc sống, ta phải hiểu chính bản thân ta. Một con người sẽ là đáng khen khi biết nhìn xa trông rộng, có chí lớn nhưng sẽ là đáng quý hơn khi thực hiện những mục tiêu ấy trước khi hiểu rõ được bản thân là một con người ra sao. Khi ra hiểu rõ được bản thân, làm rõ được chủ thể tâm hồn, trước hết cho ta thấu hiểu chính mình, sau đó là để mọi người xung quanh thấu hiểu ta, hiểu rõ con người ta. Tình yêu, sự quan tâm, hi vọng, niềm tin của những người xung quanh luôn xuất phát từ việc thấu hiểu, biết được ta là con người như thế nào, ta là ai đối với họ. Mỗi người không những phải đối thoại với chính mình mà còn đối thoại với mọi người thông qua những trải nghiệm. Từ đó, ta sẽ biết đặt mình trong mối quan hệ với xã hội, biết sống vì mọi người, vì cộng đồng. 

Mỗi con người không giống nhau, ai cũng đều có nét riêng và khác biệt ở mình. Có thể bạn phiền muộn, tự ti về bản thân, cảm thấy thua kém người khác, hãy luôn nhớ một điều rằng ta đều là một phiên bản giới hạn, luôn độc nhất, không phải là bản sao của bất kì ai. Cái tôi của mỗi chúng ta hiện hữu qua tính cách, hành động, lời ăn tiếng nói. Chúng thể hiện con người ta qua những cảm xúc, tâm tư, suy nghĩ. Vậy nên, cốt yếu ở việc thấu hiểu, khẳng định bản thân là sự tự tin, kiên cường và không ngại định kiến, những cái cổ hủ trong tư tưởng, suy nghĩ của người khác.  Trong hành trình Tôi đi qua tôi, con người sẽ được tự bồi đắp, tự đánh giá năng lực và hạn chế của bản thân, phát huy tối đa tiềm lực vốn có để khẳng định giá trị bản thân, gặt hái những thành công. Đồng thời ta phải sống một cuộc đời của riêng mình vì bất cứ ai cũng chỉ sống một lần, sống cho bản thân, cho những đam mê, hoài bão  phải là trên hết, là ưu tiên hàng đầu.

Khẳng định bản thân đồng nghĩa với sống là chính mình. Thay vì gò ép, rập khuôn trong những định kiến, thay đổi bản thân để hòa nhập vào những môi trường bão hòa, sao ta không tự tin  tỏa sáng khi là chính mình? Tự biến mình thành một người khác khiến ta không thể khám phá con người thật của mình, đó là cả một quá trình và đừng làm chậm nó bằng cách sống giả dối với bản thân. Để nhớ ra mình là ai, bạn cần quên đi những khuôn mẫu mà xã hội áp đặt vào bạn. Ta nên là chính ta để đạt được thành công, những mục tiêu, thành tựu nhất định, để bước tiếp trên đường đời mà không phải hối tiếc điều gì. “Sống như chính mình trong một thế giới luôn cố biến mình thành người khác là thành tựu lớn nhất.”

Để sống là chính mình, đừng quá ép buộc bởi những quy luật, luật lệ bất thành văn nào, chỉ cần sống đúng, sống tự tin với con người của bản thân, chăm chỉ và cố gắng để đổi lấy thành quả. Có được khát khao hạnh phúc là chính mình. Những doanh nhân thành đạt, nổi tiếng hiện nay như Steve Jobs, Bill Gates cũng là những hình tượng tiêu biểu cho những con người sống là chính mình, luôn theo đuổi đam mê, mơ ước. Họ tự tin, luôn nỗ lực và dám thử sức để tạo ra những sản phẩm, kế hoạch mới mẻ, thể hiện được cái tôi riêng của mình trong công việc, thị trường. Cho đến nay, Apple và Microsoft những biểu tượng trong kinh doanh công nghệ điện tử, là những doanh nghiệp lớn mang đậm chất riêng, đạt được thành công lớn phủ sóng trên toàn thế giới. Thành công ấy phần lớn đến từ tài năng, nỗ lực của riêng con người những nhà sáng lập ấy. Hay chính đại thi hào Nguyễn Du, một nhà thơ lớn vừa thể hiện được tư tưởng, tiếng nói của thời đại phong kiến lúc bấy giờ vừa có đề tài sáng tác và phong cách thơ riêng, dường như khác biệt với những người nghệ sĩ cùng thời. Cái tôi trong thơ của Nguyễn Du rõ nét, ngược lại với tính phi ngã của văn học trung đại. Điều đó đã làm nên giá trị cũng như vị thế của ông trong nền văn học nước nhà cũng như quốc tế.

Nhưng sống là chính mình, khẳng định giá trị của bản thân không phải là giữ thế độc tôn, kiêu ngạo, tự tin thái quá, “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất. Không có chi bè bạn nổi cùng ta”. Giá trị cá nhân là quan trọng nhưng cần bác bỏ tính kiêu căng, tự phụ, bảo thủ, sống ích kỉ chỉ vì lợi ích cá nhân. Sống cho chính mình không đồng nghĩa với mưu toan, tính toán. Đồng thời cần biết phê phán những con người không bao giờ đặt ra hành trình tự khám phá giá trị bản thân trong cuộc đời hay sống với thái độ hời hợt, qua quýt, không tạo cho mình cơ hội được dấn thân trong những trải nghiệm quý giá. Đây cũng là nguyên nhân đẫn đến lối sống tự thỏa mãn, chấp nhận nhữn gì mình đang có một cách tiêu cực, giậm chân tại chỗ, không có chí tiến thủ, luôn hèn nhát, dễ nản lòng trước khó khăn, thử thách.

Để sống là chính mình, thể hiện được con người mình, ta phải luôn rèn luyện, trau dồi tri thức, luôn nỗ lực không ngừng và hành động đúng mưc. Ta hãy sống tự tin, dám đối mặt với khó khăn, thử thách, dám ước mơ, theo đuổi đam mê. Phải luôn sống một cách sâu sắc, sống cống hiến, sống để hướng tới những giá trị nhân văn tích cực. Những điều ấy không chỉ giúp ta trưởng thành, giúp ta tìm thấy hạnh phúc và con đường đi phù hợp, hoàn thiện thêm bản thân mà còn đem đến những bài học cuộc sống vô giá, nhận được lòng yêu quý, tôn trọng qua việc thể hiện màu sắc cá nhân, chứng minh rằng ta là độc nhất, một giá trị mà chính bản thân ta quyết định. Để hiểu rõ giá trị của bản thân, ta nên tránh những suy nghĩ tiêu cực, thôi so sánh bản thân mình với người khác và khám phá ra điều mà ta thật sự thích và rèn luyện chúng.

Không một ai có thể biết chính xác về chính con người ta, bởi vậy nên ta cần phải khám phá và nhận biết chính mình. Qua đó, vượt qua chính những rào cản về khám phá tâm hồn cũng chính là làm chủ bản thân, là sống thật với chính mình – một con người như nó vốn là. Nhận biết mình đã khó, chiến thắng bản thân còn gian nan gấp bội. Nhưng nếu ta không biết vượt qua bản thân, không đứng vững trên đôi chân của mình thì ta sẽ là gì? Con người nhận thức được giá trị sự sống, giá trị hiện hữu của bản thân là khi chúng ta hiểu được chính mình, nắm bắt được những hạn chế và khả năng của bản thân, lắng nghe được cảm xúc của mình thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Khi đó, con người sẽ lưu lại dấu ấn riêng trong cuộc đời. Cuộc sống mưu sinh khiến con người ta đặt nặng những giá trị vật chất lên hàng đầu mà quên mất khả năng con người còn sống dựa vào những giá trị tinh thần. Chính vì vậy “tôi đi qua tôi” là giây phút ta thoát khỏi guồng quay cuộc sống để lắng nghe những thanh âm nơi tâm hồn, những tình cảm trong trái tim mình.

“Không đề” cho ta một lối suy tư bắt đầu từ việc nhận biết mình rồi vượt qua chính mình, rằng cái tôi hình thành và phát triển như thế nào nằm ở sự chọn lựa của chính bản thân. Qua đó, ta hiểu thêm về việc lựa chọn thái độ sống hết mình, không sống hoài, sống phí màsống đúng với con người thực sự của mình. Triết lí ấy như chiếc gương soi quý giá góp phần phản tỉnh, cổ vũ mỗi người phát triển, hoàn thiện bản thân, nỗ lực vì những giá trị sống sâu sắc, khơi gợi trong ta những khát khao mới, hi vọng mới. Chỉ cần sống đề cao những giá trị tốt đẹp của bản thân, không gì có thể cản